Theo dõi Báo Hànộimới trên

Linh hoạt trong tuyên truyền phòng, chống dịch

Hà Phong - Lý Thị Mai| 26/12/2021 06:47

(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là cầu nối, góp phần giúp người dân nâng cao ý thức tự phòng, chống dịch bệnh. Tại thành phố Hà Nội, hoạt động này luôn được đổi mới, linh hoạt, làm có trọng tâm, trọng điểm.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, để chủ động phòng, chống dịch hiệu quả, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội tổ chức thành công cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19” (từ ngày 20-6 đến 1-8-2021 tại địa chỉ: https://timhieuphapluatpc covid-19.hanoi.gov.vn). Đây là cuộc thi trực tuyến thu hút nhiều nhất số lượng người tham gia từ trước tới nay với 1.032.665 người dự thi. Cùng với đó, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố đã giao Sở Tư pháp chỉ đạo cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật về phòng, chống dịch qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở; triển khai mô hình “Cầu thang pháp luật” qua thiết bị điện tử lắp đặt tại thang máy trong các tòa nhà chung cư; tuyên truyền nguyên tắc “5K” và khuyến cáo công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế tại 6.362 màn hình điện tử tại các khu chung cư, tòa nhà văn phòng trên địa bàn Hà Nội…

Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến cho hay, thực hiện nhiệm vụ trên, Hội Luật gia thành phố cũng đã phát động tuyên truyền pháp luật thông qua các hội nghị trực tuyến, mạng xã hội: Zalo, Facebook, các trang thông tin điện tử; in khoảng 20.000 tờ gấp, tài liệu tuyên truyền cho các đơn vị. Các chi hội luật gia ở cơ sở đã viết hàng nghìn tin, bài phát trên loa truyền thanh của các xã, phường, thị trấn, thực hiện tư vấn pháp luật qua điện thoại cho hơn 1.500 người…

Về phía Công an thành phố Hà Nội, ngoài tổ chức tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch, còn phát huy hiệu quả hệ thống tổng đài Hotline đặt tại Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an thành phố tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi của các tổ chức, cá nhân để giải đáp, hướng dẫn người dân về việc cấp giấy đi đường, việc lưu thông liên vùng trên địa bàn thành phố...

Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông và phòng, chống dịch Covid-19. Đoàn Luật sư thành phố tuyên truyền tư vấn pháp luật về phòng, chống dịch thông qua các lớp học trực tuyến cho các em học sinh trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.

Thành đoàn Hà Nội cũng có cách làm rất riêng, như trào lưu mạng xã hội “Stay home - Stay safe - Be happy”. Trào lưu được triển khai theo hình thức khuyến khích đoàn viên, thanh niên hưởng ứng quay clip cổ vũ phòng dịch bệnh với hình ảnh chiếc khẩu trang được gửi tặng “online” cùng thông điệp “5K + vắc xin”…

Ở cấp độ địa phương của thành phố cũng có nhiều hoạt động tuyên truyền hiệu quả mang dấu ấn đặc biệt. Đơn cử, các trường học, giáo viên của quận Hoàng Mai xây dựng tài liệu trình chiếu điện tử kèm hình ảnh sinh động vào các giờ sinh hoạt đầu tuần trực tuyến, giúp học sinh hiểu biết cách phòng, chống dịch bệnh; phát động chuỗi hoạt động sự kiện “Vui khỏe tại nhà - Tránh xa Covid” hay “Cả nhà khỏe re - Covid quay xe”... Trong khi đó, quận Hai Bà Trưng tuyên truyền kết hợp quá trình vận chuyển bệnh nhân và những người tiếp xúc ca bệnh đến nơi cách ly và trở về nơi cư trú. Huyện Ba Vì đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng loa kéo tại các khu vực công cộng…

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho hay, để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời, tiếp tục tăng cường tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, báo chí, phát thanh, truyền hình, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, các nhóm: Zalo, Facebook...; thường xuyên cập nhật thông tin, xây dựng và điều chỉnh các thông điệp, khuyến cáo phù hợp với diễn biến tình hình dịch. Đây là nền tảng bảo đảm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác phòng, chống dịch được phổ biến kịp thời, đầy đủ, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Linh hoạt trong tuyên truyền phòng, chống dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.