Theo dõi Báo Hànộimới trên

Linh hoạt trong điều hành

Thế Phương| 16/02/2011 06:51

(HNM) - Linh hoạt trong điều hành là yêu cầu mà Chính phủ đặt ra từ nhiều năm qua đối với các ngành kinh tế, đặc biệt với hệ thống tài chính - ngân hàng. Và không phải đến bây giờ khi Ngân hàng Nhà nước quyết định điều hành linh hoạt tỷ giá theo tín hiệu của thị trường thì vấn đề linh hoạt cần thiết trong công tác điều hành mới được các chuyên gia kinh tế nhắc đến.


Giá USD đang biến động nhưng sẽ sớm ổn định. Nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định như vậy về tỷ giá và thị trường tài chính - tiền tệ hiện nay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu, việc điều hành linh hoạt tỷ giá sẽ theo hai chiều, có lên có xuống theo tín hiệu của thị trường, phù hợp với cung cầu; bám sát những diễn biến trên thị trường ngoại hối… Có thể nói, đây là việc làm đáng ghi nhận trong thời điểm hiện tại, cũng chính là sự khác biệt trong công tác điều hành những ngày đầu năm Tân Mão này.

Tại sao nói như vậy? bởi lần điều chỉnh tỷ giá này còn chứa đựng trong đó thông điệp linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra cùng với cơ chế điều hành mới. Có lẽ còn sớm để khẳng định ở một hướng điều hành lâu dài, nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế, sự linh hoạt của tỷ giá sẽ góp phần hạn chế những điều chỉnh đột biến gắn với tâm lý đầu cơ trên thị trường. Thêm nữa, theo nhiều chuyên gia kinh tế, khi tỷ giá được chính thức xác nhận một mức hợp lý với thị trường hơn, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh bán USD để chuyển sang vốn tiền đồng (VND), bởi lãi suất VND hiện quá cao. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ giải ngân nhiều hơn, nhất là khi thị trường chứng khoán đã giảm sâu. Nguồn cung USD nhờ vậy sẽ tăng mạnh, giảm bớt áp lực lên thị trường, quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. Thị trường ngoại hối bớt căng thẳng, lãi suất USD cũng sẽ giảm dần. Mặt khác, nếu doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh bán USD, cung vốn VND trong nền kinh tế cũng tăng lên. Như vậy có thể đạt được cùng lúc khá nhiều mục tiêu.

Năm 2010, Việt Nam đã thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế thế giới một cách ngoạn mục khi GDP cả năm đạt khoảng 6,7%, cao hơn chỉ tiêu đề ra, tổng thu ngân sách tăng, dư nợ trong ngưỡng an toàn, xuất khẩu tăng trưởng tốt, nhập siêu giảm. Tuy nhiên, sức ép lạm phát vẫn còn mạnh, diễn biến thị trường vàng, ngoại tệ vẫn phức tạp… Trong hàng loạt nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có một nguyên nhân cần được nhìn nhận một cách thẳng thắn là sự thiếu nhất quán trong điều hành, thiếu thông điệp rõ ràng về các mục tiêu nên bất cứ sự điều chỉnh nào cũng gây tác động lan truyền, tạo ra nguy cơ bất ổn.

Do vậy, việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông điệp mới cho thấy một bước chuyển trong điều hành tỷ giá nói riêng và điều hành nền kinh tế nói chung. Điều này khẳng định việc theo đuổi mục tiêu tự do hóa lãi suất theo chủ trương của Chính phủ nhằm làm cho thị trường tài chính minh bạch hơn, bình đẳng hơn và tiến gần hơn đến các thông lệ của thị trường tài chính quốc tế. Đây là một định hướng lâu dài, đúng đắn và đang trở thành hiện thực tại Việt Nam - một hiện thực tất yếu. Tất nhiên còn rất nhiều việc phải làm để tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều hành lãi suất, từng bước ổn định lãi suất thị trường và kiểm soát lạm phát.

Và không chỉ với hệ thống tài chính, ngân hàng, hy vọng trong năm mới này, các ngành kinh tế đều coi linh hoạt trong điều hành là yêu cầu tiên quyết để nền kinh tế Việt Nam thật sự năng động trên con đường hội nhập cùng thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Linh hoạt trong điều hành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.