Theo dõi Báo Hànộimới trên

Linh hoạt trong đào tạo nghề

Minh Vũ| 29/09/2021 06:22

(HNM) - Đặc thù của giáo dục nghề nghiệp là chú trọng thực hành trực tiếp tại nhà xưởng, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh có dịch Covid-19, đa số trường nghề tổ chức đào tạo theo hình thức trực tuyến. Để bảo đảm chất lượng, các nhà trường chủ động khắc phục khó khăn, triển khai linh hoạt nhiều giải pháp trong quá trình trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người học.

Giảng viên dạy học trực tuyến tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Thời gian qua, phương pháp giảng dạy trực tuyến thay thế cho trực tiếp được nhiều trường nghề triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả.

Theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trần Thị Thu Hà, phương thức đào tạo trực tuyến giúp thầy và trò chủ động làm chủ công nghệ, tiếp cận với khối kiến thức không giới hạn. Đặc biệt, các nhà trường có thể tiếp cận và mời giảng viên giỏi trong nước, quốc tế tham gia tư vấn, giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Còn theo em Nguyễn Thùy Dung, sinh viên Khoa Kế toán doanh nghiệp, Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội, với phương pháp học trực tuyến, người học có thể trao đổi, thảo luận nhóm trên môi trường mạng, dễ dàng xem lại bài giảng trên hệ thống.

Tuy nhiên, thực tế đào tạo trực tuyến tại các trường nghề cho thấy, phương thức này phát huy hiệu quả với ngành có thời lượng học lý thuyết nhiều. Còn đối với các ngành, nghề đề cao yếu tố thực hành, như công nghệ ô tô, điện tử, cơ điện…, thì người học cần được tiếp xúc với máy móc trong quá trình học. Vì thế, hoạt động đào tạo nghề theo hình thức trực tuyến đối với nhiều môn học, ngành, nghề vẫn gặp không ít khó khăn.

Là người trực tiếp đào tạo nghề, Trưởng khoa Điện tử - Điện lạnh (Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ Hà Nội) Chu Đức Khoan cho rằng, với hình thức thực hành nghề trực tuyến, giáo viên chỉ có thể truyền tải các kỹ năng hướng dẫn mẫu bằng cách mô phỏng qua video. Người học xem video, sau đó thầy và trò cùng quan sát, tương tác. Thế nhưng, việc dựng video mô phỏng rất tốn kém, đòi hỏi người quay phải có kỹ năng...

Chủ động khắc phục

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đào tạo nghề theo hình thức trực tuyến tiếp tục duy trì ở nhiều địa phương. Để bảo đảm chất lượng đào tạo nghề, các bên liên quan cùng chủ động khắc phục khó khăn bằng nhiều giải pháp linh hoạt.

Đối với những học sinh, sinh viên mới nhập học, các nhà trường hướng dẫn học trò làm quen với phương pháp đào tạo mới. Chương trình đào tạo tập trung cho các phần học lý thuyết. Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội Khuất Huy Bằng thông tin, trước mắt, nhà trường chú trọng đào tạo lý thuyết, vừa giúp các em có kiến thức khái quát, nền tảng về môn học, vừa bảo đảm chất lượng đào tạo. Còn phần học thực hành sẽ được triển khai phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19. Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, học sinh, sinh viên có thể học trực tiếp, nhà trường sẽ tập trung đào tạo thực hành.

Với học sinh, sinh viên bước vào năm học thứ 2, thứ 3, tùy từng ngành nghề, chương trình đào tạo, các nhà trường có hướng giảng dạy phù hợp. Trong đó, có những ngành, nghề tập trung đào tạo lý thuyết tương tự học sinh, sinh viên đầu khóa; có những ngành, nghề được đào tạo lý thuyết kết hợp với thực hành trực tiếp theo mô hình “3 tại chỗ” là ăn - ở - học tại trường.

“Thời gian qua, chúng tôi đào tạo “3 tại chỗ” đối với một số nghề thí điểm theo chương trình chuyển giao từ Đức hoặc đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Thông qua mô hình này, nhà trường vẫn có thể cung ứng cho thị trường nguồn nhân lực có kỹ năng”, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho hay.

Đối với những người học nghề năm cuối, các nhà trường lên kế hoạch tổ chức thi tốt nghiệp trực tuyến với các môn học lý thuyết; xây dựng các kịch bản để có thể bố trí cho từng nhóm nhỏ học sinh, sinh viên thi tốt nghiệp trực tiếp đối với các môn thực hành...

Việc nâng cao chất lượng bài giảng cũng được các cơ quan chức năng quan tâm. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, ngoài những nội dung, chương trình đã áp dụng, Sở khuyến khích các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp thi thiết kế dạy học trực tuyến. Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo đội ngũ nhà giáo, qua đó nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thêm những bài giảng điện tử chất lượng...

Dưới góc độ quản lý, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho rằng, việc bảo đảm chất lượng đào tạo nghề là nhiệm vụ quan trọng nhất của giáo dục nghề nghiệp. Vì thế, các nhà trường cần tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để nâng cao hiệu quả đào tạo trực tuyến. Các nhà giáo cần phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, sáng tạo để có phương pháp giảng dạy phù hợp với bối cảnh mới.

"Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp, dù theo hình thức nào cũng bảo đảm có việc làm cho đại đa số người học sau khi tốt nghiệp", ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Linh hoạt trong đào tạo nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.