(HNM) - Việc Bộ Giao thông - Vận tải cho phép mở lại và tăng tần suất các đường bay nội địa chở khách thường lệ không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân mà còn thể hiện sự linh hoạt thích ứng, trong khi vẫn bảo đảm an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Gặp khó vì giới hạn tần suất bay
Sau khi kết thúc giai đoạn đầu 10 ngày thí điểm, với tổng cộng 38 chuyến bay/ngày, từ ngày 21-10-2021, Bộ Giao thông -Vận tải cho phép chuyển sang giai đoạn 2 với hàng loạt đường bay nội địa được mở lại. Song, chưa kịp mừng, anh Bùi Văn Bình (đường Dương Bá Trạc, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh) đã thất vọng vì không thể bay ra Hà Nội để giải quyết công việc gia đình.
“Số chuyến bay còn quá ít, hầu hết các đường bay mới được khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày nên những trường hợp có nhu cầu bay đi bay về ngay trong ngày như tôi sẽ rất khó khăn. Cũng do ít chuyến nên giá vé rất đắt, lên tới 3-4 triệu đồng/lượt. Dù tôi rất muốn mua vé máy bay nhưng điều kiện không cho phép nên lại phải chờ diễn biến mới của tình hình dịch bệnh cũng như kế hoạch khai thác của các hãng hàng không”, anh Bùi Văn Bình cho biết.
Đánh giá về giai đoạn vừa qua, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng thừa nhận, trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, nhu cầu giai đoạn hiện tại tập trung vào đường bay trục, đặc biệt là các đường bay kết nối thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An nhưng tần suất vẫn đang hạn chế. Giai đoạn 2 chỉ áp dụng đến ngày 30-11-2021 nên các hãng hàng không khó khăn trong việc lập kế hoạch khai thác lịch bay mùa đông 2021-2022, đặc biệt là kế hoạch bay dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Cũng do tần suất bay hạn chế nên gây khó khăn cho hành khách có mong muốn chỉ đi lại giải quyết công việc trong ngày. Cùng với đó, tần suất đường bay trục còn thấp nên các hãng hàng không tập trung vào dải giá cao, khó đưa ra các mức giá khuyến mại, gây bức xúc về giá vé đối với hành khách…
Tăng tần suất, thiết lập “hành lang xanh”
Những khó khăn nói trên đã dần được tháo gỡ sau khi Bộ Giao thông - Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam cho phép tăng tần suất trên hàng loạt đường bay trọng yếu kể từ tháng 12-2021 và tiến tới trở lại khai thác bình thường vào năm 2022 trên nguyên tắc linh hoạt thích ứng, lộ trình phù hợp để bảo đảm an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Trưởng ban Truyền thông Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) Đặng Anh Tuấn cho biết, tuân thủ hướng dẫn của các cơ quan chức năng, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) đã khẩn trương triển khai kế hoạch khai thác các đường bay nội địa chở khách thường lệ ngay từ ngày 1-12-2021. Cụ thể, theo phân bổ của Cục Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines Group thực hiện khoảng 140 chuyến bay mỗi ngày trên gần 40 đường bay nội địa...
“Hiện tại, Vietnam Airlines Group đang tiếp tục theo sát hướng dẫn của các cơ quan chức năng để nhanh chóng hoàn thiện kế hoạch khai thác trong giai đoạn tiếp theo nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022”, ông Đặng Anh Tuấn thông tin.
Vietravel Airlines cũng bắt đầu mở bán vé mạng đường bay nội địa, đồng thời tăng dần tần suất nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng lên của hành khách trong giai đoạn cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Cụ thể, Vietravel Airlines chính thức mở bán vé từ ngày 6-12 và có chuyến bay đầu tiên vào ngày 19-12-2021. Trong giai đoạn này, hãng tập trung khôi phục, tăng tần suất các đường bay khứ hồi kết nối giữa Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh và các điểm đến du lịch lớn bao gồm: Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Quy Nhơn (Bình Định).
Trong nửa đầu tháng 12-2021, Hãng hàng không Bamboo Airways cũng tăng tần suất khai thác đường bay trục Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh lên 3-4 chuyến khứ hồi/ngày và sẽ tiến tới khai thác 4-5 chuyến khứ hồi/ngày từ ngày 15-12. Các đường bay Hà Nội/thành phố Hồ Chí Minh - Đà Nẵng khai thác với tần suất 2-3 chuyến khứ hồi/ngày. Hãng đồng thời tăng tần suất khai thác tối đa 2 chuyến khứ hồi/ngày đối với các đường bay khác, trong đó có nhiều đường bay du lịch.
Cùng với tăng tần suất bay các tuyến nội địa, các hãng hàng không cũng như các cảng hàng không đều nghiêm ngặt trong công tác phòng, chống dịch. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - đơn vị quản lý vận hành 22 cảng hàng không, sân bay) Nguyễn Quốc Phương cho biết, các doanh nghiệp hàng không đã cùng nhau thiết lập “hành lang xanh” cấu thành từ “con người xanh” (nhân viên hàng không, hành khách), “phương tiện, hạ tầng xanh” (sân bay, máy bay và các phương tiện chuyên chở hành khách) và “quy trình xanh” (giảm thiểu tiếp xúc, tuân thủ quy trình phòng dịch), bảo đảm phục vụ an toàn nhất trong bối cảnh dịch bệnh. Việc bảo đảm phục vụ tốt hoạt động bay nội địa cũng chính là bước tập dượt quan trọng để có thể sẵn sàng phục vụ các đường bay quốc tế thường lệ, ngay khi Chính phủ cho phép mở lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.