Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liệu có “bắt cóc bỏ đĩa”?

Kính Lúp| 03/12/2014 06:47

(HNM) - Theo ngành chức năng, những chiếc xe chở hàng quá tải trọng là thủ phạm tàn phá các công trình đường bộ.



Trong một nỗ lực hướng đến mục tiêu chấm dứt tình trạng xe quá tải vào năm 2015, từ đầu tháng 4 năm nay, các tỉnh, thành phố đã đồng loạt ra quân xử lý, chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải chở hàng quá tải trọng. Mặc dù tình hình đã được cải thiện đôi chút, nhưng xem ra quá trình thực hiện công việc này cũng có nhiều bất cập và không ít người đã đặt câu hỏi: Liệu có lặp lại tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa"?

Theo Chỉ thị số 1095/CT của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (về chấn chỉnh tình trạng xe quá tải), khi kiểm tra xe, phát hiện quá trọng tải thì phải bốc dỡ hàng hóa xuống (hạ tải) mới cho lưu thông tiếp, nhưng ở các trạm cân làm gì có phương tiện, nhân lực mà bốc dỡ, nếu có cũng không có bãi chứa và phương tiện để bảo quản… Như vậy, khi hàng hóa hỏng, tổn thất của DN ai sẽ chịu trách nhiệm?…

Ở một khía cạnh khác, trên tuyến quốc lộ Bắc - Nam thì chỉ kiểm tra tải trọng xe theo chuyên đề, như với các loại xe chuyên chở vật liệu xây dựng rời, chứ không kiểm soát tải trọng với tất cả các loại phương tiện đi qua địa bàn các tỉnh… Trong khi đó, ngân sách đầu tư cho công tác này khá lớn (một trạm cân lưu động có giá gần 3 tỷ đồng + chi phí thường xuyên cho lực lượng kiểm soát vận hành trạm cân), nhưng hiệu quả lại không cao. Bởi, mục đích đặt ra khi kiểm soát xe vi phạm tải trọng là phải hạ được tải trọng của xe (theo đúng đăng kiểm), thế nhưng hiện nay mục tiêu này gần như không thể thực hiện được và giải pháp tình thế lại được đặt ra là "phạt cho tồn tại" như hiện nay chẳng khác nào "bắt cóc bỏ đĩa"! Xe quá tải trọng vẫn phá đường, phá cầu.

Như vậy, để việc kiểm soát tải trọng xe được triệt để, nên chăng cần thực hiện đồng bộ các khâu từ nhập khẩu xe, đăng kiểm xe, các nguồn hàng, các chủ cảng, chủ mỏ, các chủ công trình đều phải có trách nhiệm trong việc kiểm soát tải trọng xe; đặc biệt quan trọng là rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương sở tại. Thực tế cho thấy nếu ở đâu chính quyền quyết tâm, tạo điều kiện cho lực lượng liên ngành hoạt động, thì việc chấn chỉnh xe quá tải trọng ở địa phương đó làm rất hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liệu có “bắt cóc bỏ đĩa”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.