Theo dõi Báo Hànộimới trên

LienVietBank đổi tên thành Ngân hàng Bưu điện Liên Việt

Thủy Hương| 25/07/2011 20:07

(HNMO) - Tên gọi trên được thay đổi trên cơ sở của sự sáp nhập mang tính lịch sử là Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) góp vốn vào Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietBank).

LienVietBank sẽ chuyển thành LPB

(HNMO) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có quyết về việc thay đổi tên gọi của Ngân hàng thương mại cổ phần Liên Việt (LienVietBank).

Theo Quyết định số 1633/QĐ-NHNN ngày 22/7, Thống đốc chấp thuận việc thay đổi tên gọi Ngân hàng TMCP Liên Việt thành Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB).

Tên gọi trên được thay đổi trên cơ sở của sự sáp nhập mang tính lịch sử là Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) góp vốn vào Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietBank).

Trước đó, tại văn bản số 224 ngày 21/2/2011, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho VNPost tham gia góp vốn vào LienVietBank bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện và bằng tiền.

Đến nay, VNPost đã hoàn thành việc chuyển giao Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu Điện (VPSC), thuộc VNPost, về với LienVietBank, LienVietBank sẽ thông qua hệ thống hơn 10.000 các Phòng Giao dịch Bưu điện cung cấp toàn bộ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho các tổ chức và cá nhân trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là vùng nông thôn và các địa bàn ít hoặc chưa có ngân hàng phục vụ.

Tại Đại hội cổ đông thường niên của LienVietBank mới diễn ra, đại hội đã thông qua phương án góp vốn của VNPost vào LienVietBank. Theo đó, VNPost sẽ góp vốn bằng giá trị VPSC tương đương 360 tỷ đồng và góp vốn nhiều lần bằng tiền mặt để tăng tổng số vốn thuộc sở hữu của VNPost tại LienVietBank lên đến 997 tỷ đồng, tương đương với 14,999% cổ phần.

Có thể nói, sự kết hợp giữa LienVietBank và VNPost sẽ đem lại lợi ích rất to lớn cho những người dân đã và sẽ sử dụng dịch vụ của Ngân hàng. Những người đang gửi tiền tiết kiệm tại hệ thống Tiết kiệm Bưu điện trước đây hoàn toàn có thể yên tâm về quyền lợi và tính an toàn của khoản tiền tiết kiệm vì LienVietBank sẽ tiếp nhận nguyên trạng VPSC và bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. Hơn thế, khách hàng không chỉ được hưởng mức lãi suất cạnh tranh trên thị trường mà còn được sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại mà VPSC trước đây không được phép cung cấp như các dịch vụ cho vay.

Dự kiến vào ngày 29/7 này, lễ ra mắt Ngân hàng Bưu điện Liên Việt sẽ diễn ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
LienVietBank đổi tên thành Ngân hàng Bưu điện Liên Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.