(HNM) - Cách đây 2 năm, trong bài phát biểu cuối cùng tại Hạ viện Nga (Đuma) với vai trò là Thủ tướng, ông Vladimir Putin đã vạch ra ưu tiên cho nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba là thúc đẩy hợp tác trong toàn bộ không gian Á - Âu, tăng cường vai trò toàn cầu của nước Nga thông qua thúc đẩy hội nhập giữa các quốc gia Liên Xô cũ.
Và những gì nhà lãnh đạo được hâm mộ nhất xứ Bạch dương đã làm suốt thời gian qua cho thấy quyết tâm của Mátxcơva trong chiến lược tạo "bước đột phá mang tính lịch sử" đồng thời "thay đổi cơ cấu địa chính trị và địa kinh tế của toàn bộ lục địa này".
Tổng thống Nga V.Putin và hai người đồng cấp Belarus (phải) và Kazakhstan (trái). |
Phát biểu trước báo giới sau phiên họp Hội đồng Kinh tế tối cao Âu - Á (cấp nguyên thủ quốc gia) tại thủ đô Mátxcơva, Tổng thống V.Putin tuyên bố, Liên minh kinh tế Âu - Á gồm 3 nước Nga, Belarus và Kazakhstan có thể ra mắt vào năm 2015 vì hiện các bên đã đạt được sự đồng thuận ở cấp chuyên gia đối với phần lớn các điều khoản trong hiệp định thành lập liên minh kinh tế mới ở không gian hậu Xô Viết này. Việc thành lập Liên minh Á - Âu thay thế cho Liên minh thuế quan được đánh giá là nhằm củng cố nền kinh tế, bảo đảm sự phát triển hài hòa và xích lại gần nhau của các nước thành viên, đồng thời sẽ mang đến kỳ vọng xây dựng một cơ cấu kinh tế đủ mạnh để đối trọng với Liên minh Châu Âu (EU), từ đây làm bệ phóng cho một nước Nga hùng mạnh trên trường quốc tế.
Vì vậy, ý tưởng tái hình thành một không gian kinh tế thống nhất của các nước từng là thành viên Liên Xô trước đây là mục tiêu mang tính xuyên suốt của Mátxcơva ngay từ khi tuyên bố thành lập Liên minh thuế quan vào năm 2000. Để đạt được điều này, cả Nga, Kazakhstan và Belarus đã vượt qua không ít bất đồng. Thực tế là 3 nước từng luôn phát sinh những va chạm về lợi ích thương mại, thậm chí có lúc đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế thông thường. Cuộc tìm kiếm phương thức phân phối làm hài lòng các bên có lúc đã rất khó khăn, nhưng cuối cùng các nhà lãnh đạo "bộ tam" cũng đã thông qua 3 văn kiện nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc hình thành một thể chế rộng lớn với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tương đương 1/8 của EU. Hiện tại, tổng dân số của Nga, Kazakhstan và Belarus là gần 180 triệu người, GDP của 3 nước đạt 2.000 tỷ USD và tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa vào khoảng 900 tỷ USD, sản lượng lúa mì chiếm 12% tổng sản lượng thế giới. Dự kiến, trong vòng 5 năm tới, GDP của liên minh này có thể tăng thêm 5% và trong 10 năm tới sẽ tăng từ 15% đến 17%. Không dừng ở đó, trong tương lai gần, Kyrgyzstan và Armenia cũng sẽ gia nhập khối kinh tế này. Đây sẽ là một cầu nối tiềm năng cho một liên kết mới giữa các nước có vai trò tiếp nối trên lục địa Á - Âu.
Tốc độ gắn kết giữa các quốc gia trong không gian hậu Xô Viết chắc hẳn nằm ngoài dự liệu của EU vì cách đây 3 năm, khi xuất hiện "cái bắt tay đầu tiên" giữa Nga - Belarus - Kazakhstan, đã có nhiều ý kiến nghi ngờ về tính khả thi của liên minh này. Bởi trước đó, Cộng đồng các quốc gia độc lập, Cộng đồng kinh tế Á - Âu và Hội nhập Liên minh Nga - Belarus đều chưa cho thấy sự thành công. Vì thế, sự kết hợp mới giữa 3 nước như trên khó tránh khỏi lối mòn cũ. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo 3 nước đang cho thấy tham vọng xây dựng không gian kinh tế thống nhất giữa 3 nước không phải chỉ là một kế hoạch trên giấy.
Rõ ràng, trong chiến lược duy trì tầm ảnh hưởng đối với các quốc gia trong không gian hậu Xô Viết, Nga đang "dẫn trước" EU. Bằng chứng là chỉ trong một thời gian ngắn, đã có hai quốc gia từ bỏ thỏa thuận liên kết với EU trong chương trình "Đối tác phương Đông" là Armenia và Ukraine. Điều này không chỉ khẳng định vị thế ngày càng được củng cố của Nga trong khu vực và trên thế giới mà còn cho thấy đường lối nhất quán của Tổng thống V.Putin trong việc khẳng định vị thế của nước Nga trong trường khu vực và quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.