(HNM) - Ngày 25-6, nội các mới của Hy Lạp đã tuyên thệ nhậm chức tại dinh Tổng thống. Đây là kết quả của cuộc cải tổ lớn do đảng Dân chủ cánh tả rút khỏi liên minh cầm quyền...
Nội các mới của Hy Lạp tuyên thệ nhậm chức ngày 25-6. |
Liên minh cầm quyền mới với nòng cốt là đảng Dân chủ Mới, từng nắm quyền tại Hy Lạp từ hơn một thập kỷ nay và đảng Xã hội Pasok vẫn chiếm đa số trong Quốc hội Hy Lạp. Tuy nhiên, với việc chỉ nắm 153 trong tổng số 300 ghế nghị sỹ, tức là chỉ quá bán 3 ghế, đây sẽ là một liên minh yếu, khó có thể tìm kiếm được đủ số phiếu cần thiết để thông qua các quyết sách về tài chính sắp tới tại Quốc hội.
Để trấn an đối tác còn lại duy nhất, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras đã bổ nhiệm thủ lĩnh Pasok, ông Evangelos Venizelos, làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và 10 thành viên khác của Pasok nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong nội các 42 người.
Sau khi tuyên thệ, nội các Hy Lạp cũng đã tiến hành cuộc họp đầu tiên nhằm tái khẳng định mục tiêu của chính phủ trong ba năm còn lại của nhiệm kỳ này là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và thoát khỏi khủng hoảng nợ càng sớm càng tốt.
Trong khi phác thảo những yếu tố cơ bản và những ưu tiên của chương trình chính sách của chính phủ mới, Thủ tướng Samaras đã đề cập đến sự cần thiết giải quyết thách thức của nạn thất nghiệp, hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Hy Lạp trong khi suy thoái sâu, thu hút đầu tư và kích thích tăng trưởng để tránh phải áp dụng thêm nữa các biện pháp khắc khổ, đồng thời dần dần cắt giảm thuế để giảm nhẹ tình trạng suy thoái kinh tế đã bước sang năm thứ sáu. Có thể nói, đây được coi là tín hiệu tích cực đối với người dân Hy Lạp vốn đang héo mòn dần vì chính sách "thắt lưng buộc bụng" ngày một khắc nghiệt.
Tuy nhiên, ý tưởng của Thủ tướng Samaras sẽ là một thách thức không nhỏ đối với liên minh cầm quyền vì nới lỏng chi tiêu có thể làm chệch hướng lộ trình cắt giảm thâm hụt ngân sách theo yêu cầu bộ ba chủ nợ là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh Châu Âu (EU) và Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB). Một trong những phép thử lớn đối với liên minh cầm quyền hiện nay là làm thế nào để đạt được mục tiêu cắt giảm 15.000 lao động thuộc lĩnh vực công đến cuối năm 2014 trong khi mới chỉ riêng vụ việc ERT đã khiến liên minh cầm quyền chia rẽ và cả xã hội Hy Lạp sôi sục.
Nhiều ý kiến cho rằng, thời điểm khó khăn nhất đối với nội các mới của Thủ tướng Samaras là vào mùa thu này, khi bộ ba chủ nợ đánh giá tình hình tài chính của xứ sở các vị thần để cân nhắc liệu có yêu cầu áp đặt thêm các biện pháp thắt lưng buộc bụng hay không. Từ nay đến đến thời điểm đó, nếu bức tranh kinh tế của Hy Lạp không có thêm những điểm sáng khả quan thì kế hoạch tránh ban hành thêm các biện pháp khắc khổ của Thủ tướng Samaras sẽ vẫn chỉ là ý tưởng.
Hiện tại, các đảng đối lập trong Quốc hội đã chuẩn bị tạo sức ép lên Athens. Các tổ chức công đoàn cũng sẵn sàng nhập cuộc. Nhiều ý kiến cho rằng, "số phận" của liên minh cầm quyền Hy Lạp sẽ được định đoạt vào thời điểm quyết định trong tháng 9 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.