(HNM) - Như Báo Hànộimới đưa tin, tại hội nghị đánh giá kết quả triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 và triển khai công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, Sở Y tế Hà Nội đã công bố 2.853 cơ sở vi phạm và xử phạt 1.251 cơ sở với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng trong vòng một tháng.
Vi phạm vẫn khó lường...
Với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5), toàn thành phố đã thành lập 699 đoàn thanh tra, kiểm tra. Qua kiểm tra 18.989 cơ sở, phát hiện 2.853 cơ sở vi phạm và xử lý vi phạm hành chính 1.251 cơ sở với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng. Ngoài ra, có 133 cơ sở với 71 loại sản phẩm bị tiêu hủy, 52 cơ sở bị đóng cửa, 1.317 cơ sở bị nhắc nhở...
Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm do Sở Y tế Hà Nội chủ trì kiểm tra một bếp ăn trường học. Ảnh: Xuân Lộc |
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố đánh giá, hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm và công tác thanh, kiểm tra trong thời gian diễn ra Tháng hành động vì an toàn thực phẩm đã được đẩy mạnh. Song, vẫn còn một bộ phận chủ cơ sở chưa có ý thức về sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt. Điều đáng nói là việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã chưa kiên quyết, đa số chỉ nhắc nhở. Từ ngày 10-7 tới, Hà Nội sẽ triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Tính đến ngày 12-6, thành phố đã tổ chức 32 lớp đào tạo cho 2.676 cán bộ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. Do số lượng công chức, viên chức đủ điều kiện giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở tuyến xã ít, phải đảm nhiệm nhiều việc nên việc cử cán bộ cấp xã đi đào tạo, tập huấn cũng gặp nhiều khó khăn.
Đề cập đến những phương thức, thủ đoạn vi phạm tinh vi, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trong quá trình kiểm tra, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm ở cả trong và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như hoa quả được bày bán tại các cửa hàng, nếu căn cứ vào bao bì, vỏ hộp đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhưng khi từng loại quả được bày bán trên kệ, nếu chủ hàng có trà trộn các chủng loại khác, cơ quan chức năng rất khó nhận biết... Với những doanh nghiệp uy tín, họ công bố công khai hàm lượng các chất phụ gia có trong sản phẩm. Khi kiểm tra, cơ quan chức năng dựa vào đó để kiểm nghiệm các chỉ tiêu. Nhưng, khi doanh nghiệp không công bố các chất phụ gia, khó có thể tiến hành kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng sản phẩm, vì chi phí xét nghiệm rất tốn kém.
Đánh giá việc triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 trên địa bàn Hà Nội, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, so với những năm trước, số đoàn thanh tra, kiểm tra, số cơ sở được kiểm tra tăng nhiều hơn. Tuy nhiên, số cơ sở vi phạm bị nhắc nhở vẫn còn nhiều, nhất là ở tuyến xã, phường. “Theo quy định hiện hành không còn hình thức phạt cảnh cáo, cứ vi phạm là bị xử phạt. Tới đây, Hà Nội triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tất cả xã, phường, thị trấn, hy vọng, tình trạng khi kiểm tra chỉ nhắc nhở cơ sở vi phạm sẽ không còn”, bà Trần Việt Nga lưu ý.
Tăng cường kiểm tra từ cửa khẩu
Tại hội nghị đánh giá kết quả triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 đã có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó có việc thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, thủ công sang phương thức sản xuất theo chuỗi, theo dây chuyền để giám sát, quản lý an toàn thực phẩm được chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đắc Lộc, giải pháp cốt lõi vẫn là tăng cường kiểm tra từ cửa khẩu vì nếu ở cửa khẩu làm không tốt thì hàng giả, hàng kém chất lượng, chất phụ gia độc hại… sẽ có nguy cơ xâm nhập. Thậm chí, trong quá trình kiểm tra, khi chờ kết quả xét nghiệm thì những mặt hàng không bảo đảm chất lượng đã tiêu thụ hết.
Còn theo ông Trần Văn Chung, cần tiếp tục triển khai các chương trình, dự án, mô hình điểm về an toàn thực phẩm. Cụ thể, ngành Y tế tập trung triển khai những tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát; ngành Nông nghiệp phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm tươi sống an toàn; ngành Công Thương tập trung quản lý chợ, chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, trái cây an toàn. Cùng với đó, đẩy mạnh thi đua, thực hiện tiêu chí chấm điểm công tác an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp, sau đó công bố công khai. Mặt khác, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, rà soát chợ "cóc", chợ tạm, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm; đồng thời, tăng cường sử dụng các xe chuyên dụng kiểm nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm.
Qua Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đã phát huy hiệu quả, việc xử phạt đã nghiêm hơn. Tuy nhiên, ở tuyến xã, phường vẫn nặng tư tưởng “tình làng nghĩa xóm”, nên việc xử phạt vẫn còn nghiêng về nhắc nhở - việc này cần phải khắc phục ngay. Không chỉ duy trì, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, công tác này cần được diễn ra thường xuyên, liên tục từ nay đến cuối năm, nhất là trong bối cảnh nắng nóng như hiện nay và tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.