Thế giới

​Liên hợp quốc kêu gọi các bên ở Síp giảm căng thẳng leo thang

Quỳnh Dương 31/01/2024 - 15:48

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã nhất trí bỏ phiếu gia hạn sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ tại Síp thêm một năm và kêu gọi các bên tại quốc đảo đang bị chia cắt này thực hiện các bước giảm căng thẳng leo thang.

89694e7e-02a0-41c8-a70c-90cb7abacb01.jpg
Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại vùng đệm phi quân sự chia cắt khu vực phía Bắc và Nam đảo Síp.

Theo AP, kế hoạch thành lập một nhà nước liên bang gồm khu vực nói tiếng Hy Lạp và khu vực nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ từng được HĐBA LHQ thông qua cũng được đưa vào nội dung của nghị quyết ngày 31-1.

Các thành viên HĐBA LHQ nhấn mạnh trong nghị quyết rằng, hiện trạng chia cắt của đảo Síp là không bền vững, tình hình thực tế không ổn định và việc thiếu một thỏa thuận sẽ làm gia tăng căng thẳng chính trị, có nguy cơ gây ra những thay đổi không thể đảo ngược trên thực địa, làm giảm triển vọng giải quyết vấn đề.

HĐBA LHQ khuyến khích hai bên tăng cường liên lạc và hợp tác giữa các cộng đồng, kiềm chế các hành động cũng như lời nói có thể khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.

Nghị quyết lên án hành động tiếp tục vi phạm nguyên trạng quân sự dọc theo vùng đệm do LHQ thiết lập vào năm 1974. Việc cả hai bên gia tăng số lượng các vụ xâm phạm vùng đệm phi quân sự và xây dựng trái phép sẽ khiến tình trạng căng thẳng leo thang và gây ra những rủi ro đối với an toàn và an ninh của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Do vậy, HĐBA LHQ kêu gọi cả hai bên tôn trọng việc phân định vùng đệm, đồng thời chấm dứt các hành vi vi phạm đơn phương.

Sau chuyến thăm tới Síp vào cuối tuần trước, bà María Ángela Holguín Cuellar, đặc phái viên mới của Tổng Thư ký LHQ António Guterres cho biết, bà tin tưởng có thể làm việc với cả người Síp gốc Hy Lạp ở miền Nam hòn đảo được quốc tế công nhận và người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ ly khai ở miền Bắc để đưa họ trở lại bàn đàm phán nhằm thành lập một nhà nước thống nhất sau nhiều năm bế tắc.

Síp bị chia cắt thành 2 miền Bắc - Nam từ năm 1974, khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào kiểm soát 1/3 diện tích phía Bắc của hòn đảo và ủng hộ thành lập nhà nước "Cộng hòa miền Bắc đảo Síp" tự xưng vào năm 1983. Đây là động thái đáp trả một cuộc đảo chính tại Síp, được cho là có sự hậu thuẫn của Hy Lạp để ủng hộ những người Síp gốc Hy Lạp. Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ kéo theo một thập kỷ căng thẳng và bạo lực giữa 2 miền.

Hiện tại, 2/3 diện tích hòn đảo ở phía Nam là nhà nước được cộng đồng quốc tế công nhận, là thành viên của LHQ từ năm 1960, đồng thời cũng là thành viên Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2004. Còn 1/3 hòn đảo phía Bắc Síp ly khai chỉ được Thổ Nhĩ Kỳ công nhận.

Nhiều năm qua, với nỗ lực của LHQ và cộng đồng quốc tế, nhiều cuộc đàm phán đã diễn ra nhằm thống nhất đảo Síp trở thành mô hình nhà nước liên bang. Vòng đàm phán gần đây nhất về vấn đề này kết thúc vào năm 2017 mà không đạt được kết quả đột phá nào.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
​Liên hợp quốc kêu gọi các bên ở Síp giảm căng thẳng leo thang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.