Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên doanh theo chức năng, nhiệm vụ

Mai Linh| 12/06/2012 06:58

(HNM) - Việc triển khai hoạt động liên doanh theo chức năng nhiệm vụ là một trong những giải pháp giúp các đơn vị sự nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của Nhà nước, góp phần giảm đầu tư công...


Đầu tư công ở nước ta được hiểu là đầu tư từ các nguồn vốn của Nhà nước và có vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước. Phần vốn này được Nhà nước giao cho các bộ, ngành và các địa phương, các đơn vị tổ chức quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật. Theo Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2001-2005, tổng vốn đầu tư công đạt khoảng 286 nghìn tỷ đồng (chiếm hơn 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội); giai đoạn 2006-2010 ước đạt trên 739 nghìn tỷ đồng (chiếm hơn 24%). Như vậy, tỷ trọng vốn nhà nước đầu tư cho các dự án công rất lớn, nên việc quản lý, sử dụng có hiệu quả phần vốn đầu tư này là rất quan trọng.

TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Kinh tế, Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội cho biết, thời gian qua, bên cạnh những thành công và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển đất nước không thể phủ nhận đầu tư công của nước ta còn nhiều hạn chế, nhất là về hiệu quả đầu tư. Đầu tư công đi cùng với lãng phí. Việc Tập đoàn Kinh tế nhà nước Vinashin bỏ cả 1.000 tỷ đồng để mua tàu vận tải biển tuyến Bắc - Nam, nhưng chỉ chạy mấy chuyến rồi dừng, đang được nhắc đến như một điển hình cho sự lãng phí của đầu tư công. Hay đầu tư cảng biển dọc 600km ở bờ biển miền Trung quá dày (khoảng 30-40km lại có một cảng), song các cảng biển này lại không hoạt động hết công suất. Thực tế cho thấy, mức độ thiếu hiệu quả của các dự án đầu tư công của Việt Nam rất đáng báo động. Với kiểu xin cấp phép xây dựng tràn lan như hiện nay, tỉnh nào cũng có sân bay, cảng biển, khu công nghiệp, khu du lịch sinh thái, sân gôn... nhưng hiệu quả mới chỉ thể hiện trên báo cáo nghiên cứu khả thi... Theo Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý, sử dụng diện tích nhà, đất lớn, khoảng 1,5 tỷ mét vuông, giá trị tương đương khoảng 594.000 tỷ đồng, trong đó khu vực sự nghiệp công lập chiếm 1,2 tỷ mét vuông, bằng khoảng 80% diện tích. Tuy nhiên, tình trạng đất đai, trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp bị sử dụng lãng phí, thậm chí còn bỏ trống... vẫn diễn ra phổ biến.

Để đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, việc tăng cường huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn lực hiện có là một trong những giải pháp căn bản, trong đó có nguồn lực từ đất đai. Theo Cục Quản lý công sản, nếu tính đúng, thu đủ và có cơ chế buộc các chủ sử dụng đất phải sử dụng đất hiệu quả, mỗi năm ngân sách nhà nước có thể thu được khoảng 5 tỷ USD (tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng/năm). Ông Trần Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, trong số các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai thì việc cho phép các đơn vị sự nghiệp được liên doanh liên kết đúng chức năng nhiệm vụ để đa dạng hóa việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước, tăng thu cho ngân sách là chủ trương hoàn toàn đúng, góp phần giảm đầu tư công. Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, điều quan trọng nhất chỉ là khai thác thêm, tận dụng cơ sở vật chất, không phải đơn vị sự nghiệp được sinh ra để triển khai hoạt động kinh doanh đó. Trước đây nếu không cho đơn vị sự nghiệp làm thì đất đai đó cũng không sinh lợi, rất lãng phí.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Liên doanh theo chức năng, nhiệm vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.