(HNM) - Chúng tôi về với thôn Cây Chay, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (Hà Nội) vào một ngày mưa gió đầu đông. Cái lạnh như cắt da, nhưng người dân ở Cây Chay vẫn phong phanh manh áo mỏng. Cô bạn đồng nghiệp đi cùng tôi cứ xót xa, dân ở đây xem ra vẫn còn cơ cực lắm…
Ăn nhờ, ở đậu
Nếu bảo dân thôn Cây Chay đang ăn nhờ ở đậu thì không đúng, nhưng ngẫm cũng chẳng sai. Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 25km, thôn Cây Chay nằm lọt thỏm trong địa giới của xã Đông Sơn, thuộc huyện Chương Mỹ. Nghĩa là muốn đi vào Cây Chay, không còn con đường nào khác phải đi vào giữa làng Đông Sơn của Chương Mỹ. Trước đây, đã từng có những ý kiến khác nhau rằng, nên di dời thôn Cây Chay về đúng địa giới của xã Cấn Hữu. Nhưng luồng ý kiến khác lại cho rằng, nên sáp nhập thôn Cây Chay về với Đông Sơn để dễ bề quản lý và phát triển đời sống xã hội ở một thôn còn nhiều khó khăn này.
Ông Thỉnh với nghề thủ công kiếm thêm 15.000 đồng/ ngày. |
Lật giở lại lịch sử của thôn Cây Chay, ông Nguyễn Văn Chất, nguyên trưởng thôn Cây Chay và cũng là một trong số những người sớm có mặt ở thôn Cây Chay cho biết, trước Cây Chay chỉ là một xóm vạn chài mang tên Thủy Cư. Người dân của thôn Thủy Cư bám vào dòng sông Tích lênh đênh trên suốt một dọc dài từ cầu Phú Cát đến Tân Trượng để khai thác tôm cá và thủy sản. Nhưng người xóm Thủy Cư thời đó cũng có điểm khác với những xóm vạn chài khác, ấy là họ đã tìm được những khúc sông có nhiều tôm, cá để dựng lều, tìm chỗ trú ngụ trên bờ. Và họ đã tìm được một gò đất cao ngay trên xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ bây giờ. Thời đó, tôm cá nhiều vô kể, đặc biệt là hến. Đã có thời điểm, mỗi ngày người dân xóm chài này khai thác đến cả tấn hến, những người thu mua phải dùng đến ô tô để chở hến. Đấy là thời trước những năm 2000.
Nhưng lịch sử của thôn Cây Chay có lẽ được bắt đầu từ khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, khi cải cách ruộng đất. Đến năm 1955, thôn Thủy Cư được chia ruộng đất, trâu cày đất ở gần nơi sinh sống của mình. Theo ông Nguyễn Văn Chất, nơi những người Thủy Cư lên bờ sinh sống, có một cây chay cổ thụ rợp bóng mát. Chính vì thế mà người ta đã lấy tên làng, tên thôn là thôn Cây Chay. Từ đây, Cây Chay trở thành một thôn của xã Cấn Hữu thuộc huyện Quốc Oai (tỉnh Hà Tây).
Còn ông Nguyễn Văn Thỉnh cha đẻ của Trưởng thôn Nguyễn Văn Chuyên kể: Khoảng năm 1950, bố mẹ ông định cư lên đây. Những năm đầu lên định cư, cuộc sống của ngư dân rất vất vả. Kinh tế khó khăn nên hầu hết các hộ chỉ căng lều ở tạm. Ban ngày vợ chồng, con cái xuống thuyền ngược dòng Tích Giang kiếm cá, đêm về lại lục tục kéo nhau về đây ăn, ngủ. Đến sau năm 1954 hòa bình lập lại, người dân trong thôn được chia đất canh tác. Vừa làm ruộng, vừa kiếm cá nên đời sống của các hộ dần dần ổn định, một số hộ đã dành dụm được tiền xây dựng nhà cửa. Năm 1981, gia đình ông Thỉnh cùng 16 hộ dân trong thôn đi làm kinh tế ở khu đồng Chằm, xã Tiến Xuân, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) nay thuộc huyện Thạch Thất, một số hộ khác di chuyển vào Lâm Hà, Lâm Đồng. Nhưng do khó làm ăn ở miền đất mới nên chỉ sau 1 năm gia đình ông cùng một số hộ khác lại trở về quê làm ăn, sinh sống. Trở lại quê cũ khi tôm cá trên dòng Tích Giang đang dần cạn kiệt, ruộng nương cách nhà đến 6-7 cây số lại thường xuyên mất mùa, gia đình ông Thỉnh cũng như biết bao gia đình khác gần như không có khái niệm cho con đi học. Bản thân ông Thỉnh sinh được 7 người con nhưng đến nay chỉ có anh Nguyễn Văn Chuyên là học hết cấp 3 (hệ bổ túc), còn lại chỉ học hết cấp I, cấp II. Trình độ văn hóa thấp nên các con ông đều là lao động tự do như thợ nề, cửu vạn... Ngay kể cả ông Thỉnh, mặc dù nhiều năm tham gia công tác địa phương với các cương vị đội trưởng sản xuất, Kế toán trưởng HTX Nông nghiệp Cây Chay, phó trưởng thôn... nhưng ông cũng mới chỉ học hết lớp 1. Theo ông Thỉnh, tại thôn Cây Chay, những người trong độ tuổi 45-60 hầu hết không biết chữ, một số người chỉ biết viết và ký tên mình.
An cư, lạc nghiệp... bao giờ ?
Nguyên trưởng thôn Nguyễn Văn Thêm than thở, kể từ ngày "an cư" đến nay, người dân Cây Chay chưa bao giờ sống sung túc. Cả thôn có 52 hộ nhưng đa phần là hộ nghèo. Nguyên nhân chính dẫn đến nghèo đói ở đây là do đông con, trình độ dân trí thấp. Thu nhập chính của người dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nhưng việc sản xuất ở đây rất khó khăn. Do đặc thù người một nơi, ruộng một nẻo nên đồng đất nơi đây được chia thành 3 xứ đồng nằm trong địa giới hành chính của 3 xã: Đồng Giong thuộc xã Đông Sơn (Chương Mỹ); đồng Gò Tùy thuộc xã Đông Yên và đồng Giếng thuộc xã Cấn Hữu (Quốc Oai). Bình quân đất nông nghiệp mỗi khẩu chỉ được 1 sào 10 thước chia đều cả 3 xứ đồng, đồng xa nhất cách thôn đến 5-6km, kênh mương nội đồng chưa có, nước tưới, tiêu phụ thuộc vào xã, thôn bạn nên việc canh tác gặp nhiều khó khăn. Do đồng đất xa xôi, đi lại khó khăn, việc tưới, tiêu phụ thuộc nên năng suất lúa rất thấp, cao nhất cũng chỉ đạt 150 kg/sào/vụ. Với những lý do đó mà từ khi thành lập thôn, dù được an cư nhưng đến giờ người thôn Cây Chay vẫn chưa thể lạc nghiệp.
Trưởng thôn Nguyễn Văn Chuyên với chiếc xe được sản xuất từ năm 1982. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.