(HNM) - Mùa xuân năm 40 sau Công nguyên, cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc, dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng đã đánh đuổi quân Đông Hán ra khỏi bờ cõi nước ta.
Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn về công tác chuẩn bị Lễ kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh.
- Ông có thể cho biết những điểm đặc biệt của Lễ kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng?
- Lễ kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng được tổ chức thường niên để người dân cùng nhau ngưỡng vọng về một trong những thời khắc hào hùng nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước, lần đầu tiên, người dân đất Việt đứng lên chống lại sự cai trị của phương Bắc. Trong đó, sự kiện được tổ chức tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng ở xã Mê Linh, nơi lưu dấu tích của Hai Bà từ thời thơ ấu đến khi phất cờ khởi nghĩa, có ý nghĩa quan trọng, góp phần khơi dậy, lan tỏa niềm tự hào dân tộc. Lễ kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Mê Linh (khai mạc vào mùng 6 tháng Giêng năm Canh Tý) còn là một trong những sự kiện mở đầu cho mùa lễ hội xuân trên đất Thăng Long - Hà Nội.
Năm nay, Lễ kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng đánh dấu thời khắc tròn 1980 năm ra đời sự kiện, góp phần “thức tỉnh tinh thần dân tộc, ý thức độc lập chủ quyền quốc gia của người Việt”. Lễ kỷ niệm diễn ra trong bối cảnh cả nước hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/2020)..., càng tạo nên dấu ấn quan trọng cho sự kiện.
- Vậy, Lễ kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh năm nay có điểm gì mới?
- Lễ kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh sẽ do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội chủ trì. Đơn vị triển khai, thực hiện là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và UBND huyện Mê Linh. Đề án, kịch bản lễ hội đã được hoàn thiện, hướng tới mục tiêu “Lễ hội kỷ cương, văn minh, tiết kiệm, an toàn, thiết thực”.
Cụ thể, lễ kỷ niệm sẽ diễn ra từ ngày 30-1 đến 1-2 (tức từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng năm Canh Tý) tại Quảng trường Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh, với 2 phần: Lễ và hội. Phần lễ, bắt đầu từ 8h30 sáng 30-1 với nhiều nghi thức truyền thống, như: Lễ tế, rước kiệu các vua bà; lễ dâng hương, dâng hoa và chúc văn tại đền thờ; khai trống trận và trình diễn sử thi… Phần hội kéo dài từ chiều 30-1 đến ngày 1-2, gồm các hoạt động trình diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể thao và trải nghiệm trò chơi dân gian...
- Đến nay, công tác chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh được thực hiện như thế nào?
- Đến thời điểm này, các phần việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm cơ bản đã được hoàn tất. Năm nay, ngoài việc chú trọng làm đậm phần lễ và phần hội, do tính chất năm chẵn, dự báo sẽ đón lượng khách tăng cao, nên công tác quản lý lễ hội được Ban Tổ chức đặc biệt đề cao, bảo đảm tối đa an toàn, an ninh, kỷ cương, văn minh lễ hội.
Theo đó, Ban Quản lý di tích đền Hai Bà Trưng có trách nhiệm phối hợp với UBND xã Mê Linh bố trí địa điểm trông giữ phương tiện giao thông tại khu vực sân UBND xã Mê Linh; duy trì vệ sinh, quét dọn, rửa đường, trồng và cắt tỉa cây, cỏ trong khu vực nội vi đền... Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Mê Linh tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, cờ... trên các trục đường chính vào đền; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống bảo đảm ấn tượng, an toàn, hiệu quả...
Ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng huyện Mê Linh bố trí các điểm đặt nhà vệ sinh di động hợp lý; phối hợp với các đơn vị liên quan bố trí vị trí tập kết rác, không để phát sinh điểm gom rác... Lực lượng công an huyện phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án phân luồng, chống ùn tắc khu vực xung quanh di tích, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức cờ bạc, mê tín dị đoan...
- Công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống lịch sử thông qua lễ kỷ niệm lần này được triển khai, thực hiện như thế nào tại địa phương, thưa ông?
- Tuyên truyền, nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống lịch sử là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác tổ chức Lễ kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Công tác này được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố phát động trên toàn thành phố từ rất sớm, với yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân, thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng, sinh động.
Huyện Mê Linh đã triển khai đợt tuyên truyền cao điểm trước và trong lễ hội, tập trung vào các hình thức: Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; tăng cường tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cũng như tổ chức các đội thông tin lưu động… Tổ chức các đoàn đại biểu dâng hương tại các di tích gắn với công trạng của Hai Bà Trưng; đồng thời, tham gia các hoạt động tưởng niệm tại các địa phương có đền thờ Hai Bà Trưng, như: Phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng; xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ; xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên...
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.