(HNMO) - Ngày 28-11, tại đình Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây diễn ra lễ kỷ niệm 15 năm Làng cổ Đường Lâm được công nhận là di tích quốc gia (2005-2020) và khai mạc các hoạt động tôn vinh, quảng bá di sản.
Sự kiện do UBND thị xã Sơn Tây tổ chức, thiết thực kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11).
Làng cổ Đường Lâm là một trong bốn làng cổ trên cả nước được xếp hạng di tích quốc gia cùng với làng Phước Tích (Thừa Thiên - Huế), làng Lộc Yên (Quảng Nam), làng Đông Hòa Hiệp (Tiền Giang). Làng cổ Đường Lâm gồm 5 thôn: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm. Nơi đây giữ được hầu hết các đặc trưng cơ bản của một ngôi làng thuần Việt với hình ảnh cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, nhiều di tích lịch sử văn hóa. Đây cũng là quê hương của nhiều danh nhân, như: Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng; Vua Ngô Quyền; Thám hoa Giang Văn Minh...
Với tính chất là một di sản sống, 15 năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích được chính quyền và nhân dân thị xã Sơn Tây nói chung, làng cổ Đường Lâm nói riêng thực hiện một cách hiệu quả. Nhiệm vụ bảo tồn nhà cổ, không gian kiến trúc làng cổ; quy hoạch, quản lý xây dựng trong vùng lõi di sản được quan tâm. Đề án giãn dân được thực hiện theo lộ trình, từng bước giảm sức ép lên di sản...
Đặc biệt, công tác phát triển du lịch di sản, phát huy giá trị di tích được triển khai hiệu quả, từng bước cải thiện đời sống người dân và cũng là động lực để khơi dậy sức sáng tạo của người dân, tìm tòi, xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch đáp ứng thị hiếu của du khách. Trung bình mỗi năm, điểm đến này thu hút 120-130 nghìn lượt khách, trong đó có 6-7 nghìn lượt khách quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng nhấn mạnh, thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Làng cổ Đường Lâm luôn được chú trọng với sự hỗ trợ, tư vấn của các cấp quản lý và nhiều tổ chức trong nước, quốc tế. Di tích đã và đang phát huy giá trị một cách bền vững, đúng với tiêu chí mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND thành phố Hà Nội đã đề ra.
Nhân dịp này, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân cùng chung tay bảo vệ di sản, phát triển du lịch cộng động, tổ chức các hoạt động quảng bá di sản, như: Không gian chợ quê, không gian trưng bày các tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh, đồ lưu niệm thủ công... về đề tài sinh hoạt, sản xuất, phong tục, tập quán.
Ngoài ra, còn có các hoạt động hưởng ứng như: Cuộc thi sản phẩm du lịch của phụ nữ Đường Lâm; cuộc thi ẩm thực; trưng bày trang phục cổ; không gian trải nghiệm trò chơi dân gian...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.