(HNMO) – Kỷ niệm 224 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 – 2013), sáng 14/2 (tức mồng 5 Tết Quý Tỵ), tại khu di tích Gò Đống Đa (Hà Nội), Thành phố và UBND quận Đống Đa đã long trọng tổ chức Lễ hội Đống Đa, Quang Trung đại phá quân Thanh.
Tượng đài Quang Trung trong ngày lễ hội |
Cách đây vừa tròn 224 năm, vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 trên mảnh đất lịch sử thiêng liêng này nghĩa quân Tây Sơn, dưới sự chỉ huy tài tình của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ (vua Quang Trung) đã tiến công thần tốc, bất ngờ vào Thành Thăng Long (mà đỉnh cao là chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, đúng vào mùng 5 Tết), ra đòn quyết định, đánh bại 29 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị, giải phóng thành Thăng Long, đem lại yên bình cho đất nước…
Các đoàn tế lễ khắp nơi đã có mặt từ sáng sớm |
Trong chiến công vang lừng Xuân Kỷ Dậu năm ấy, nhân dân thành Thăng Long cũng đã có nhiều đóng góp dũng cảm, tích cực, tạo nên kỳ tích đại phá quân Thanh, giành độc lập dân tộc. Từ đó tới nay, ngày mùng 5 tháng giêng âm lịch đã đi vào lịch sử, trở thành ngày kỷ niệm đặc biệt thiêng liêng, mang nhiều ý nghĩa đối với dân tộc Việt Nam, được đông đảo người dân quận Đống Đa và TP Hà Nội hưởng ứng…
Người dân Hà Nội tới thắp hương tại tượng đài Quang Trung |
Ngay từ 6h sáng 14/2 nhiều đoàn nghệ thuật, đoàn tế lễ từ nhiều tỉnh, thành miền Bắc đã tập trung ở khu vực Gò Đống Đa, công viên Quang Trung để tham gia lễ hội. Hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về đây thắp hương, dâng hoa trước Tượng đài Hoàng đế Quang Trung và tại Điện thờ Tây Sơn - Tam kiệt trong khuôn viên Tượng đài Quang Trung. Đúng 9h sáng, đoàn rước kiệu với đôi rồng vàng cùng đoàn “nghĩa quân Tây Sơn” áo vải đã từ từ tiến vào lễ đài trong tiếng nhạc hùng tráng và sự hoan nghênh của hàng ngàn người dân Hà Nội.
Một màn trình diễn về Nghĩa quân Tây Sơn vào Thăng Long |
Tại buổi lễ, trong bài diễn văn của mình, ông Nguyễn Song Hào, Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Đống Đa đã khẳng định: Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa là sự hội tụ của cao của tinh thần yêu nước, yêu độc lập tự do của nhân dân Việt Nam, của truyền thống đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường không cam chịu kiếp đời nô lệ, là chiến công vĩ đại và hiển hách bậc nhất, mãi mãi đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của nhân dân Việt Nam, như một bản anh hùng ca bất hủ trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc… Lễ hội Ngọc Hồi – Đống Đa cũng là dịp để người Hà Nội tưởng nhớ và tôn vinh người anh hùng áo vải Quang Trung cùng các nghĩa binh Tây Sơn, ôn lại truyền thống hào hùng một thời của dân tộc, đồng thời cũng là thời điểm để Đảng bộ và nhân dân quận Đống Đa nhìn lại những thành tựu đã đạt được trong năm 2012 – năm thực hiện Nghị quyết TW 4 về “ Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay” cùng các chương trình công tác lớn của Thành ủy và Quận ủy Đống Đa…
Đôi rồng theo đoàn rước kiệu vào Lễ đài tưởng niệm Vua Quang Trung |
Chương trình lễ hội sẽ kéo dài từ 9h sáng cho tới 17h chiều ngày 14/2 với nhiều tiết mục dâng hương, tế lễ, múa rồng, biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của Đòan tế lễ Yên Tử (Quảng Ninh), Nhà hát chèo Hà Nội, Dân ca, quan họ Bắc Ninh cùng nhiều đoàn nghệ thuật quần chúng khác… Nhiều trò chơi, giải trí cho nhân dân cũng sẽ được tổ chức tại Gò Đống Đa trong buổi chiều nay (14/2).
Ảnh Vua Quang Trung vào thành Thăng Long được lưu giữ trong Bảo tàng Quang Trung |
* Đêm 4 rạng ngày 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789) trận đánh thần tốc của quân Tây Sơn diễn ra với sự tham gia của nhân dân vùng Khương Thượng, Đống Đa do Đô đốc Long (còn có tên là Đặng Tiến Đông) chỉ huy. Trận này diệt tan đồn Khương Thượng của quân nhà Thanh. Tướng giặc là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử ở núi Ốc (Loa Sơn) gần chùa Bộc bây giờ. Trận đánh đã mở đường cho đại quân Tây Sơn từ Ngọc Hồi thừa thắng tiến vào giải phóng hoàn toàn Thành Thăng Long.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.