(HNMCT) - Truyện về thế giới của muôn loài nơi núi cao rừng sâu dường như đã trở nên quen thuộc với độc giả yêu văn chương. Bởi thế, câu chuyện về một chú cá voi ngộ nghĩnh đáng yêu sẽ thật mới lạ và hấp dẫn. Vẫn bắt đầu với một hành trình phiêu lưu kỳ thú, nhưng chuyến di cư từ Nam Cực tới vùng biển xích đạo để tránh rét lại biến thành “hạ cánh” đến Hòn Mun, mở ra cho chú cá voi cơ hội khám phá vùng biển Nha Trang ấm áp yêu thương.
“Cá voi Eren đến Hòn Mun” của nhà văn Lê Đức Dương ra mắt độc giả trong mùa hè năm nay - một mùa hè mà dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến cho nhiều chuyến đi biển phải hủy bỏ. Nhưng độc giả thiếu nhi vẫn có thể “đến thăm” bao nhiêu địa danh biển của nước nhà cùng chú cá voi Eren. Nào Bãi Thịt ở biển Phan Rang, nào Vũng Me, Vũng Ngán nơi đảo Hòn Tre, nào Hòn Nội, Hòn Ngoại ở vịnh Cam Ranh, vùng biển Núi Chúa Ninh Thuận, bãi cát vàng Trường Sa... Đó là hành trình thú vị cùng những người bạn biển mà độc giả không ở miền biển ít được nghe tên, như Rùa Da, Rùa Dứa, Tôm Hùm Lửa, Sao Biển Gai, Cua Mặt Quỷ, Bạch Tuộc Trứng, Mực Ma, Cá Lưỡi Trâu, Ốc Sừng, Ốc Vôi, Ốc Tù Và... Tưởng như cả một kho từ điển về sinh vật biển tụ hội trong cuốn sách.
Nhà văn, nhà báo Lê Đức Dương có thể dễ dàng “điểm danh” nhiều cái tên biển đến thế là bởi tác giả sống và làm việc tại Nha Trang. Với vốn hiểu biết sâu sắc về hệ sinh thái biển, nhà văn đưa độc giả khám phá hành trình biển đầy cuốn hút qua cách kể chuyện dí dỏm, mang đến cho bạn đọc kiến thức về các loài sinh vật biển và về nhiều điểm đến lý thú: “Đây là công viên biển đầu tiên ở Việt Nam, rất thanh bình. Hòn Mun hội tụ tất cả những gì đẹp, phong phú đa dạng của biển nhiệt đới nên rất có giá trị...”.
Cuộc di cư của chú cá voi Eren như một chuyến dạo chơi, nhưng cũng đầy khắc nghiệt và nhiều nỗi buồn khi trên hành trình đó, bố mẹ Eren đã qua đời, chú cá voi đáng yêu trở thành mồ côi. Những câu chuyện đầy cảm xúc, những con người đầy nghĩa tình mà cá voi Eren đã gặp là những trang viết níu tâm hồn người đọc, để họ nhận ra rằng trong cuộc sống đẹp tươi này sẽ không có ai phải đơn độc, luôn có ở đâu đó những người bạn tử tế, sẵn sàng chia sẻ, chở che, đồng hành.
“Cá voi Eren đến Hòn Mun” không phải là câu chuyện phiêu lưu đầu tiên của nhà văn Lê Đức Dương. Trước đó, nhà văn đã có chuyến thám hiểm bất ngờ cùng bộ ba Minh “mèo” - Khoa “trọc” - Vinh “cò” trong tác phẩm “Đảo Thần Kiếm”. Và “Đảo Thần Kiếm” không phải là một câu chuyện phiêu lưu biển đơn thuần, độc giả nhỏ tuổi nhận được từ đó những bài học quý về tình bạn, về lòng dũng cảm và được bổ sung biết bao kiến thức về lịch sử, địa lý vùng đất Nha Trang mà nhà văn đã khéo léo lồng ghép vào trang viết.
Nhà văn Lê Đức Dương không sinh trưởng tại Nha Trang nhưng có một quãng thời gian dài sống, làm việc tại đây và thành phố biển xinh đẹp này đã trở thành quê hương thứ hai của tác giả. Ông gắn bó máu thịt với Nha Trang và viết về thành phố này như một nhu cầu tự thân. Điều đó thể hiện ở tập “Biển một thời xa vắng” - tuyển chọn 12 truyện ngắn được viết rải rác từ năm 1995 đến năm 2017.
Lê Đức Dương có “Biển một thời xa vắng” dành cho người lớn, nhưng đó là số ít. Đối tượng độc giả mà nhà văn hướng tới là thiếu nhi, với các tập truyện ngắn như “Ơi con sáo mùa hạ”, “Cào cào áo đỏ”, “Chú ve sầu mùa thu”, “Thám tử tìm mèo”, “Con tim mùa phượng vĩ”... Những tập truyện về tuổi học trò được viết sống động, gần gũi và hết sức hóm hỉnh, đó là những yếu tố làm nên thành công, giúp tác phẩm của Lê Đức Dương được độc giả đón nhận và yêu thích.
Nhà văn, nhà báo Lê Đức Dương sinh năm 1967, tại Hải Dương, hiện sống tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ông công tác tại Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.