(HNM) - Chiều 10-8, vừa đi làm về đến đầu ngõ, anh Xuân (ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên) giật mình vì suýt giẫm phải một đống chất lỏng sền sệt trắng trên đường. Nhìn lên, thấy rải rác trên con ngõ còn có nhiều đống như thế cùng với bỏng, bim bim và tro vương vãi dọc lối đi, anh đành thận trọng bước qua.
Về nhà, nghe anh thắc mắc, chị Hồng vợ anh nguýt dài:
- Anh không nhớ hôm nay là ngày Rằm tháng Bảy, xá tội vong nhân à? Mấy nhà trong ngõ cúng xong, đem cháo, bỏng, bim bim đổ ra ngõ cho vong ăn đấy. Anh không về sớm hơn mà hưởng khói hóa vàng mù mịt. Có nhà còn đốt cả đồ mã ô tô, nhà lầu, hình nhân ô sin gửi xuống âm phủ cho người thân.
Nghe vợ nói, anh Xuân chỉ còn biết thở dài, sao mà người ta cứ cúng vái, hóa lễ mà không hiểu nguồn gốc tục lệ ấy thế nào.
Nghi thức đốt tiền vàng, hóa hình nhân thế mạng vốn có từ lâu đời nhằm thay thế cho của cải, người hầu lẽ ra phải chôn theo người chết. Cái tục lệ ấy du nhập vào ta, bị hiểu sai và biến thành hủ tục, vừa gây tốn kém vừa làm ô nhiễm môi trường. Đã có một thống kê cho thấy mỗi năm người Việt đốt gần 50.000 tấn vàng mã. Số tiền chi cho khoản này chỉ riêng ở Hà Nội mỗi năm đã là 400 tỷ đồng. Nhà Phật đã khuyến cáo đây là một hủ tục lãng phí, không cần thiết.
Phản ánh với Người Xây Dựng, anh Xuân mong sao cho cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh ở Thủ đô ngày càng đi vào thực chất, người Thủ đô ai cũng hiểu ý nghĩa của những nghi thức cúng lễ để có hành xử đúng, vừa tiết kiệm, vừa giữ được vệ sinh môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.