Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lễ cao, lộc trọng?

Người Xây Dựng| 09/03/2013 06:41

Chiều thứ hai (4-3), gia đình chị Thiện gồm 6 người từ thành phố Hồ Chí Minh đáp máy bay ra Hà Nội du xuân. Ngay sáng hôm sau, cả đoàn đã có mặt tại phủ Tây Hồ thắp hương, vãng cảnh. Trong lúc đang ngồi ở sân phủ ngắm cảnh Hồ Tây, chị Thiện thấy em trai mình là anh Tuyến xách ra một túi ni lông đựng đầy oản.


- Oản Hà Nội là ngon lắm đó. Cậu mua oản ở đâu vậy? - Chị Thiện hỏi.

- Em vừa cung tiến tiền công đức và được cho lộc, mời cả nhà.


Nghe em nói vậy, chị Thiện nhanh nhảu vào bàn công đức, phần vì muốn góp "giọt dầu", phần vì cũng háo hức muốn có chút lộc. Tại đây, chị cung tiến 50.000 đồng và được một người đàn ông ngồi ở bàn công đức đưa cho một túi ni lông nhỏ, trong có mấy cái oản giấy đỏ.

Vốn tính láu táu, chị Thiện nhanh nhảu:

- Ông ơi, em cháu vừa cung tiến ở đây được cả túi oản đầy, sao cháu được ít vậy?

- Người ta lễ nhiều thì lộc nhiều, chị lễ năm chục thì lộc thế là phải rồi - Người đàn ông này thủng thẳng trả lời.


Chị Thiện ngỡ ngàng. Từ đầu năm đến giờ chị và gia đình đã đến rất nhiều đền, chùa trong cả nước. Nơi có, nơi không nhưng nếu đã có lộc để phát cho con nhang thì bất cứ ai đến thắp nhang, dù có cung tiến hay không đều được phát lộc như nhau. Chưa từng có nơi nào chị lại gặp sự phân biệt lễ cao thì lộc nhiều như vậy.

Sự đóng góp của khách thập phương ở nơi tín ngưỡng tôn giáo vốn không phân biệt người sang, kẻ khó. Không hiểu tại sao những người giúp việc, trông coi phủ Tây Hồ lại có cách tính "tỷ lệ" lễ - lộc mang tính phân biệt đối xử như vậy?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lễ cao, lộc trọng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.