(HNM) - Qua 5 năm thực hiện, đến nay phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã góp phần thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn tại TP Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn mới, theo ý kiến nhiều chuyên gia, phong trào cần lấy nông dân làm trọng tâm phát triển nông nghiệp đô thị.
Hoàn thành giảm nghèo trước thời hạn
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh phát động từ năm 2012, với mục tiêu góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, tăng thêm hộ nông dân khá, giàu, tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho các hộ nông dân trên địa bàn thành phố.
Một mô hình sản xuất nông nghiệp cho thu nhập cao. |
Trong quá trình thực hiện, phong trào đã phối hợp với ngành chức năng mở các lớp dạy nghề, nâng cao nghề nghiệp cho hơn 53,5 nghìn lượt lao động, trong đó số lao động có việc làm mới và tiếp tục làm nghề cũ chiếm hơn 80%. Từ đó, tăng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên lên 94,5% (so với 84,7% vào năm 2011). Ngoài ra, phong trào cũng thành lập mới, củng cố và duy trì 251 tổ hợp tác, 71 hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp. Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giải ngân cho 1.255 dự án vay vốn cho hơn 14,5 nghìn lượt hộ với số tiền gần 295 tỷ đồng; tư vấn để hộ nông dân xây dựng hơn 20 nghìn dự án với tổng vốn vay trên 5,5 tỷ đồng. Sau 5 năm phong trào được triển khai, đã có gần 138,4 nghìn lượt hộ nông dân tại TP Hồ Chí Minh được công nhận danh hiệu “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”.
Ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh cho biết, bằng những phương pháp nêu trên, phong trào đã góp phần hỗ trợ về kinh nghiệm, phương thức sản xuất cho gần 10 nghìn lượt hội viên, nông dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, hơn 9,7 nghìn hộ thoát nghèo, góp phần đưa chương trình giảm nghèo của thành phố hoàn thành trước 1 năm.
Gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào đã vận động hơn 19,6 nghìn hộ nông dân hiến trên 201ha đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, đóng góp tiền, công sức quy giá trị trên 1,4 nghìn tỷ đồng. Ông Sơn đánh giá, phong trào góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị và giữ vững ổn định chính trị, an toàn xã hội tại cơ sở.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, phong trào vẫn còn một số hạn chế nhất định. Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, sự phát triển giữa các đơn vị, địa phương, các lĩnh vực trong ngành nghề sản xuất chưa đồng đều do trình độ, năng lực của cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp giữa các cấp Hội Nông dân và các cơ quan ban, ngành còn chưa chặt chẽ dẫn tới thiếu sự đồng bộ trong công tác dạy nghề, trợ vốn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, tình trạng sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, nên một số sản phẩm nông dân làm ra không có thị trường tiêu thụ ổn định, sức cạnh tranh còn kém. Tất cả những hạn chế trên khiến thu nhập của hội viên, nông dân và kết quả chung của phong trào bị ảnh hưởng.
Phát hiện, nhân rộng điển hình
Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh đánh giá, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã góp phần đưa giá trị gia tăng nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn thành phố bình quân 5,8%/năm. Trong thời gian tới, phối hợp với phong trào, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ thiết kế website, logo, bao bì, ấn phẩm cho nông dân, mở nhiều hội chợ nông nghiệp nhằm kết nối tiêu thụ, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương với TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi vay, khuyến khích sản xuất theo VietGAP và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Ông Lều Vũ Điều, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, phong trào cần kịp thời phát hiện, phổ biến nhân rộng các điển hình trong thi đua sản xuất nông nghiệp. Đây là việc làm thực tế, tạo ra sức hấp dẫn, lan tỏa để mọi người học tập, làm theo. Ông Điều cũng khẳng định, phong trào cần lấy nông dân làm trọng tâm, bởi họ là chủ nhân của phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, phải được trực tiếp hưởng thụ thành quả từ các phong trào này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.