Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lấy lại đà tăng trưởng

Đặng Loan| 21/02/2014 07:52

(HNM) - Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào TP Hồ Chí Minh có khởi đầu tốt khi tăng mạnh ngay những ngày đầu năm. Tính từ ngày 1-1 đến 17-2 đã có 39 dự án đầu tư mới với số vốn 150,6 triệu USD, tăng 102% về số dự án mới và tăng 340% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2013.


Đầu tư FDI tăng mạnh mẽ

Dù kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nhưng làn sóng FDI đầu tư vào TP Hồ Chí Minh năm 2013 vẫn tăng mạnh. Năm 2013, địa phương này thu hút được 2 tỷ USD vốn FDI (vốn mới 1 tỷ USD, vốn đăng ký tăng thêm 1 tỷ USD). Riêng với các KCX - KCN của thành phố, theo báo cáo của Hepza, năm 2013 các DN FDI đã đầu tư vào đây hơn 363 triệu USD, tăng gần 75% so với năm 2012, trong đó KCX Tân Thuận tăng mạnh gấp 3 lần dự kiến. Các lĩnh vực đầu tư bao gồm: Dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp chiếm hơn 48% tổng vốn đầu tư, dược phẩm hơn 21%, nhựa gần 14%, cơ khí hơn 9%. Doanh nghiệp (DN) Nhật Bản có vốn đầu tư lớn nhất chiếm gần 46%, kế tiếp là Singapore hơn 25%, Australia gần 14%, còn lại là các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch… Đặc biệt trong năm 2013, các dự án của Nhật Bản đang hoạt động hiệu quả tại các KCX - KCN đã tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất với quy mô lớn như dự án của Công ty TNHH Sài Gòn Precision (KCX Linh Trung) 129 triệu USD; Công ty TNHH Nidec Tosok Việt Nam (KCX Tân Thuận) 95 triệu USD; Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận) 12 triệu USD…

Sản xuất linh kiện điện tử tại Khu chế xuất Tân Thuận.



Trong năm 2013, các DN Nhật Bản cũng đầu tư một mô hình mới thông qua dự án Khu kỹ nghệ Việt Nhật (Vie - Pan Techno Park) cung cấp trọn gói từ nhà xưởng đến giấy phép xây dựng cho các nhà đầu tư vào đây. Theo ông Đoàn Hồng Tâm, Tổng Giám đốc KCN Hiệp Phước, Khu kỹ nghệ Việt Nhật ra đời đã gia tăng lợi thế cạnh tranh cho KCN Hiệp Phước. Sự khác biệt của mô hình nêu trên là không chỉ cung cấp nhà xưởng xây sẵn mà còn cung cấp các dịch vụ và tiện ích đi kèm như tuyển dụng lao động, tư vấn đầu tư, kế toán… Các dịch vụ này sẽ giúp khách hàng rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, nhanh chóng triển khai hoạt động kinh doanh, tiết kiệm chi phí quản lý và an tâm tập trung nguồn lực sản xuất nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Khu kỹ nghệ Việt Nhật còn được kỳ vọng trong mời gọi những DN vừa và nhỏ, có trình độ khoa học - công nghệ cao của Nhật Bản đầu tư vào, tạo đà cho sự phát triển và thu hút các tập đoàn lớn thuộc lĩnh vực công nghệ cao trong tương lai.

Ngày 19-2, Ban quản lý các KCX - KCN TP Hồ Chí Minh (Hepza) đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án vào các KCX - KCN của thành phố (8 dự án mới và 2 dự án điều chỉnh tăng vốn) với tổng giá trị đầu tư là 250 triệu USD. Trong đó, vốn đầu tư của các DN FDI là 230 triệu USD, đạt gần 42% chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư trong năm 2014 của Hepza.

Chú trọng thu hút các dự án xanh

Để thu hút nguồn vốn FDI hiệu quả, theo Hepza, đơn vị này và các KCX - KCN đã chú trọng thực hiện rất nhiều giải pháp. Tại KCN Hiệp Phước, ông Đoàn Hồng Tâm cho biết đã thực hiện nhiều biện pháp trong đó chú trọng việc củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư bằng cách thực hiện tốt và đầy đủ cam kết về xây dựng hạ tầng, bảo đảm sự vận hành ổn định và thông suốt của hệ thống hạ tầng, giải quyết các yêu cầu chính đáng cũng như hỗ trợ tối đa cho khách hàng trong quá trình đầu tư. Một việc không kém phần quan trọng là phát triển hạ tầng xã hội phục vụ đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động trong KCN.

Năm 2014, chỉ tiêu thu hút vốn FDI của Hepza là 550 triệu USD, tăng 10% so với năm 2013, trong đó khuyến khích DN đầu tư vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghệ cao, tập trung 4 lĩnh vực: Cơ khí, điện tử - tin học, hóa chất và chế biến lương thực - thực phẩm. Để đạt chỉ tiêu trên, các KCX - KCN của thành phố đã chuẩn bị 408ha đất và hơn 67.000m2 nhà xưởng tiêu chuẩn. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà, thu hút vốn FDI đã có khởi đầu tốt đẹp ngay từ đầu năm nên chỉ tiêu sẽ nhanh chóng đạt được. Tuy nhiên, Hepza cần tích cực và kịp thời hơn nữa trong hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, trong đó chủ yếu là liên quan đến thủ tục hành chính, thuế và hải quan; chủ động và tích cực phối hợp với công ty phát triển hạ tầng xúc tiến đầu tư và tăng tỷ lệ lấp đầy các KCX - KCN. Ông Lê Mạnh Hà cũng lưu ý Hepza không thu hút FDI tràn lan mà chú trọng vào các dự án có hàm lượng giá trị gia tăng cao, dự án xanh bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy lại đà tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.