(HNM) - Nhận thấy di sản văn hóa không chỉ là tài sản quý mà nó còn có vai trò vô cùng quan trọng hun đúc nên hồn cốt dân tộc Việt Nam nên chỉ mấy tháng sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 65/SL "Ấn định nhiệm vụ của Đông phương Bác cổ học viện". Trong sắc lệnh, Người chỉ rõ "Đông phương Bác cổ học viện" có trách nhiệm sưu tầm, nghiên cứu, minh định giá trị, đề xuất bảo quản…
Với 54 dân tộc cùng chung sống nên Việt Nam là quốc gia có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Chỉ tính riêng văn hóa phi vật thể đã có tới 4.000 trang bản thảo ghi chép đầy đủ vốn tài sản quý giá này, từ tiếng nói, chữ viết của các dân tộc ít người, diễn xướng dân gian, nghề thủ công truyền thống đến các lễ hội… Còn di tích vật thể thì vô cùng đa dạng và phong phú với hệ thống đình, chùa, đền, kiến trúc dân gian, tượng, văn bia… Hầu như tỉnh, thành nào cũng có di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Năm 1954, dù đất nước bị chia làm hai miền nhưng ở miền Bắc, từ năm 1960, Nhà nước đã tiến hành xếp hạng các di tích văn hóa với quy định nghiêm khắc "Cấm xâm phạm".
Không chỉ bảo vệ, Nhà nước cũng sáng tạo ra giá trị văn hóa mới, trong đó phải kể đến "Tết trồng cây" do Bác Hồ khởi xướng năm 1960. Hơn 50 năm đã trôi qua, "Tết trồng cây" đã trở thành lễ hội ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Ngay UNESCO cũng phải thừa nhận Việt Nam là quốc gia có tầm nhìn xa vì "Ngày hôm nay tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra trên Trái đất thì Liên hợp quốc mới ý thức được việc này". Văn hóa là nền tảng cho sự phát triển con người và xã hội. Sáng tạo ra những giá trị tinh thần mới không chỉ làm phong phú thêm mà còn là sự nối tiếp và làm dầy tâm thức Việt Nam. Ngày hôm nay, chúng ta đang thừa hưởng di sản văn hóa của cha ông để lại và không ít địa phương, tổ chức, cá nhân đã khai thác tối đa từ tài sản của dân tộc. Di tích văn hóa nằm trên địa phương nào họ tổ chức bán vé tham quan, bán chỗ kinh doanh dịch vụ thu lợi lớn trong khi đầu tư trở lại cho di tích thì rất ít. Với không ít người mang danh nghệ sĩ, nghệ nhân, họ trở thành tỷ phú nhờ tổ chức hay hát văn cho các giá đồng, song họ không hề cải biên hay sáng tạo các làn điệu mới để nâng tầm nghệ thuật tâm linh huyền bí này.
Khi đất nước có chiến tranh rồi Tổ quốc thống nhất năm 1975, dù thiếu thốn khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước vẫn dành kinh phí để sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới, trước là tôn vinh và sau là để lại cho con cháu một chút tài sản của thời đại hôm nay. Nếu ông cha ta không sáng tạo thì hôm nay chắc chắn chúng ta không có vốn tài sản quý hiếm như vậy. Và ngày hôm nay, ngoài trách nhiệm của Nhà nước, các địa phương, tổ chức, cá nhân cũng phải gánh chung trách nhiệm. Không sáng tạo, biết lấy cái gì trao truyền cho thế hệ sau!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.