Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lập nghiệp từ nghề truyền thống

Hoa Linh| 01/06/2014 06:33

(HNM) - Sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Văn Giang (SN 1986) thôn Thượng, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội quyết định không thi đại học mà ở lại nhà chọn hướng lập nghiệp bằng nghề dệt truyền thống của quê hương.

Với suy nghĩ, nếu chỉ có một máy dệt khi đó của gia đình, cố lắm cũng chỉ đủ ăn nên Giang xác định phải mở rộng sản xuất. Anh quyết tâm trước hết phải giỏi nghề để bản thân có thể cùng lúc đứng được nhiều máy dệt. Ngày đó, ngoài việc dệt khăn ở nhà, người ta còn thấy Giang rất chăm chỉ đi học nghề ở các gia đình khác. Trong làng, có bất cứ ai dệt khăn giỏi, anh đều ghé qua vừa xem dệt khăn, vừa học hỏi kinh nghiệm, cách sửa chữa máy dệt. Thấy Giang tâm huyết với nghề dệt, ai nấy đều giúp đỡ. Những người đi trước đã không ngại ngần chỉ cho Giang những bí quyết của nghề dệt khăn, từ cách dệt khăn đẹp, cách nối chỉ nhanh, đến cách sửa chữa máy móc.

Sau thời gian rèn luyện, đến cuối năm 2005, khi đã khá lành nghề, có đủ vốn, Giang mua một máy dệt mới, tách ra sản xuất riêng. Khi có tay nghề vững, lại có thêm kỹ năng kinh doanh, đến năm 2007, anh mạnh dạn vay ngân hàng 400 triệu đồng cùng với nguồn vốn khác đầu tư thêm 5 máy dệt nâng số máy dệt thành 6 máy với tổng trị giá 1,2 tỷ đồng. Lúc này bên cạnh đảm đương sản xuất, Giang còn phải đi khắp nơi liên hệ bán hàng. Cũng nhờ sản phẩm đẹp, đa dạng về mẫu mã nên hàng dệt ra đến đâu, hết đến đó, 6 máy dệt luôn hoạt động hết công suất. Sản phẩm khăn mặt của gia đình Giang có mặt ở rất nhiều chợ lớn, siêu thị tại Hà Nội và các vùng lân cận. Đến năm 2009, anh tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, xây xưởng dệt thứ hai. Đến nay, xưởng của anh đã có 13 máy dệt, may, tạo việc làm cho 20 nhân công với mức lương từ 3 đến 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra có khoảng 40 hộ gia đình trong xã cũng thường xuyên lấy hàng từ xưởng dệt của gia đình anh về nhà làm thời vụ.

Hiện nay, dù đã trở thành ông chủ với mức thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm, Nguyễn Văn Giang cho biết: "Tôi chưa bao giờ được đi ngủ trước 2h sáng, bởi lẽ, ban ngày tất cả các máy đều do công nhân dệt. Ban đêm, khi họ về nghỉ hết rồi, tiếc máy để không, một mình tôi "bám" máy dệt từ tối đến 2h sáng, sau đó vợ thay ca". Giang dự định thời gian tới, sau khi việc tìm đưa mặt hàng khăn ra thị trường nước ngoài ổn định, sẽ mở thêm cơ sở thứ ba để có thêm nhiều cơ hội phát triển, giúp cho nhiều lao động ở nông thôn có việc làm.

Không những làm kinh tế giỏi, Giang còn dành thời gian, nhiệt huyết với phong trào Đoàn. Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ, hỗ trợ thanh niên trong phát triển kinh tế. Phó Bí thư phụ trách Huyện đoàn Mỹ Đức, Hoàng Duy Luận cho biết: Nguyễn Văn Giang là một người nhiệt tình với các phong trào Đoàn, xứng đáng là tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi của Phùng Xá.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lập nghiệp từ nghề truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.