Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lãnh đạo thành phố Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Nga Hương - Ảnh: Viết Thành| 16/04/2020 14:15

(HNMO) - Chiều 16-4, Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị "Đối thoại với doanh nghiệp trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội" để lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Vương Đình Huệ, chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Đại biểu trung ương dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc.

Đại biểu thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; các Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản. Dự hội nghị còn có lãnh đạo các hiệp hội, các doanh nghiệp và nhà đầu tư lớn trên địa bàn Hà Nội. 

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, đại dịch Covid-19 tác động nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu. Ở Việt Nam, đến nay chưa thể đánh giá hết mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến kinh tế. Trong quý I-2020, Việt Nam giữ được tăng trưởng khá cao so với thế giới nhưng chỉ bằng nửa năm trước. Quý II dự báo tiếp tục khó khăn.

Với thành phố Hà Nội, 3 tháng đầu năm tăng trưởng 3,72%, thấp hơn mức bình quân cả nước. Nếu ngành Nông nghiệp của thành phố không bị sụt giảm thì mức tăng trưởng của thành phố sẽ cao hơn mức bình quân chung của cả nước. 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, bên cạnh mục tiêu hàng đầu là tập trung phòng, chống dịch Covid-19, Hà Nội đang phấn đấu giảm thiểu thiệt hại kinh tế; duy trì và phát triển sản xuất để bảo đảm nguồn lực an sinh xã hội và chuẩn bị tiềm năng để phục hồi kinh tế.

Chia sẻ thêm về tình hình sản xuất, kinh doanh, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, thông thường lĩnh vực nông nghiệp có mức tăng trưởng mạnh, nhưng riêng trong quý I-2020 lại giảm 1,17%. Tuy nhiên, các ban, ngành thành phố đang nỗ lực để đặt mục tiêu cả năm ngành Nông nghiệp phải tăng khoảng 4,04%, bằng cách tái cơ cấu sản xuất, tăng đàn gia cầm, gia súc... Thành phố kêu gọi các nhà đầu tư phối hợp phát triển lĩnh vực này. "Ở huyện Ba vì đang có 41 ha có thể làm rau sạch, nhà đầu tư có thể lên làm việc ngay. Thành phố cũng giảm bớt diện tích trồng hoa để tăng sản lượng các sản phẩm nông nghiệp khác. Đây là cơ hội chào đón các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp", Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh tế trực tuyến, thành phố sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông trong tuần tới để triển khai công việc, với mục tiêu cứ 1.000 dân sẽ có 1 doanh nghiệp, chú trọng hình thức trực tuyến, kể cả với các dịch vụ công.

Về đầu tư công, trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội có hơn 107 nghìn tỷ đồng vốn, chiếm 10% đầu tư công của cả nước. Hà Nội đã quyết tâm tháo gỡ tất cả những vướng mắc để giải ngân gần 40 nghìn tỷ đồng trong năm 2020. Đây là nguồn lực lớn để kích hoạt đầu tư tư nhân.  Bí thư Thành ủy mong muốn các nhà đầu tư phối hợp với Hà Nội để triển khai các khoản đầu tư công này.

“Đây là giai đoạn mà thành phố xác định sẽ gỡ mọi vướng mắc, khó khăn cho đầu tư công và đầu tư tư nhân” - Bí thư Thành ủy nói, đồng thời khẳng định thành phố sẵn sàng lắng nghe để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, tháo gỡ các thủ tục để các chính sách, dự án của doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn thành phố được kích hoạt, thông suốt, đồng thời cam kết có thời hạn thực hiện cụ thể.

“Đối với các gói hỗ trợ của Chính phủ, thành phố sẽ triển khai một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, thành phố cũng mong muốn được nghe đề xuất của các doanh nghiệp, nhà đầu tư để thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng. Với những kiến nghị lớn hơn, thành phố sẽ tập hợp để báo cáo lại Thủ tướng”, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết. 

Bí thư Thành ủy cũng đề nghị các doanh nghiệp hiến kế giúp thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19, nhanh chóng khôi phục, duy trì đà tăng trưởng.

Nhiều ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 với hoạt động sản xuất kinh doanh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong quý I-2020, tình hình sản xuất kinh doanh đã bộc lộ nhiều khó khăn. Các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, du lịch, giải trí, nhà hàng, khách sạn... bị ảnh hưởng rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Riêng 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động là 4.240 đơn vị (tăng 36% so với cùng kỳ); số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 13.215 người, tăng 22,2% so với cùng kỳ.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền trình bày báo cáo tại hội nghị.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã xây dựng 3 kịch bản điều hành phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng ứng phó với dịch Covid-19. Nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV có sự bứt tốc, tăng trưởng cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra. Trường hợp, dịch bệnh được kiểm soát vào quý III, tăng trưởng tiếp tục bị ảnh hưởng, không thể bứt tốc, cả năm đạt 6,42%, không đạt kế hoạch đề ra. Trường hợp dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng cả năm 2020 đạt 5,34%, không đạt kế hoạch đề ra (cả nước dự báo tăng trưởng khoảng 5%). Trên cơ sở đó, thành phố ban hành và triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Trong đó, đáng chú ý là thành phố đã bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29-3-2020 của Chính phủ về chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19, thành phố đang rà soát các đối tượng được hưởng chế độ với tổng số kinh phí dự kiến khoảng 7.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, thành phố đã xây dựng một số nhóm chính sách hỗ trợ đặc thù của Hà Nội trình HĐND thành phố thông qua để thực hiện, như: Hỗ trợ doanh nghiệp chi phí trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh trên địa bàn; hỗ trợ 50% tiền thuê nhà trong 3 tháng đối với sinh viên đang thuê nhà tại các khu nhà ở Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình II và công nhân thuê nhà tại khu nhà ở xã Kim Chung; hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu bị sụt giảm lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19…

Thực hiện các nhóm nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã triển khai 5 nhóm nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng 68 cụm công nghiệp, tổng diện tích là 1.016,72 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 19.600 tỷ đồng để hỗ trợ về mặt bằng sản xuất trong thời gian tới; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các đề tài nghiên cứu của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển như: Sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19...

Hiện, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của thành phố đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, ứng phó với dịch Covid-19.

Kiến nghị nhiều chính sách hỗ trợ

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều vấn đề. Trong đó, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, BRG chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, với ước tính sơ bộ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng. Đánh giá cao các giải pháp của Trung ương và thành phố trong bối cảnh dịch Covid-19, bà Nga đề xuất về việc hỗ trợ chi phí vận chuyển; kiến nghị chính sách giảm 50% thuế cho doanh nghiệp; áp dụng mức thuế giá trị gia tăng từ 0% hoặc giảm 50%; miễn tiền sử dụng đất; tạo điều kiện cho lực lượng lao động từ các tỉnh vào làm việc tại các dự án xây dựng...

Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, BRG chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Thay mặt Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Đỗ Quang Hiển kiến nghị thành phố xem xét giải pháp giảm các loại thuế, không chỉ trong thời gian này mà có thể kéo dài hơn để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp, giúp các doanh nghiệp nhỏ có mặt bằng sản xuất. 

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Đỗ Quang Hiển phát biểu tại hội nghị.

Cùng quan điểm, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành mong muốn các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, cơ cấu nợ, tín dụng… cần được triển khai sớm và nhanh chóng; kiến nghị các sở, ngành thành phố quan tâm hỗ trợ người lao động. 

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành phát biểu tại hội nghị.

Đại diện Tập đoàn FLC cho biết ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn kéo dài, trong khi chính sách ưu đãi chỉ trong 5-6 tháng, vì vậy doanh nghiệp đề xuất kéo dài thời gian hỗ trợ, cũng như có thêm chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho cộng đồng doanh nghiệp. Đại diện Tập đoàn bán lẻ Central Retail mong muốn thành phố tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp FDI, giảm thời gian thực hiện thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp…   

Theo đại diện Tập đoàn Vingroup, tập đoàn hoạt động đa ngành nghề và các ngành đều bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19. Chưa kể, tập đoàn cũng bị ảnh hưởng khi giải đua xe F1 tạm dừng, phải hoàn lại 100% tiền vé cho khách. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị Trung ương kéo dài thời gian gia hạn thuế là 1 năm thay vì 5 tháng như hiện nay bởi ảnh hưởng của dịch bệnh còn kéo dài; đồng thời thực hiện giãn thuế tiêu thụ đặc biệt, miễn tiền thuê đất năm 2020 với cơ sở lưu trú.

Cũng như Tập đoàn FLC, Vingroup đề nghị thành phố Hà Nội sớm phê duyệt danh mục dự án sử dụng đất để kêu gọi nhà đầu tư tham gia...

Hà Nội sẽ tiên phong trong tái khởi động nền kinh tế 

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, lãnh đạo Hà Nội đã có niềm tin tuyệt đối của nhân dân trong phòng, chống dịch. Việt Nam là một trong số rất ít nước bước đầu khống chế dịch bệnh lây lan; Thủ đô Hà Nội cũng là một trong số ít những thủ đô kiểm soát tốt dịch Covid-19.

Chủ tịch VCCI tin rằng Hà Nội là địa phương đi đầu trong khống chế dịch thì Hà Nội cũng sẽ tiên phong trong tái khởi động nền kinh tế, bằng việc bảo đảm môi trường đầu tư tốt hơn cho doanh nghiệp. Điều này được thể hiện rõ ở quý I-2020, khi lần đầu tiên số doanh nghiệp trên cả nước thành lập mới thấp hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường, nhưng với Hà Nội thì ngược lại.

Qua ý kiến của các doanh nghiệp, VCCI tiếp thu nhưng cũng nhấn mạnh rằng ngân sách đang rất khó khăn, vì vậy, biện pháp quan trọng nhất là các gói hỗ trợ doanh nghiệp cần đến đúng địa chỉ. Vì vậy, bên cạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương, ngân hàng thì các hiệp hội doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc đồng hành cùng các sở, ban, ngành.

Đối với Hà Nội, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh đầu tư công, đối tác công - tư và đầu tư tư nhân. Vì vậy, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đề nghị để giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tái khởi động nền kinh tế, cần thành lập Ban Chỉ đạo và tổ công tác hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp. VCCI sẽ phối hợp với các tổ chức, sở, ngành để xây dựng bộ chỉ số về rủi ro lây nhiễm ở các doanh nghiệp và xây dựng mô hình kinh doanh an toàn cho các doanh nghiệp. Đặc biệt là phối hợp với thành phố để xây dựng bộ chỉ số riêng của Thủ đô. 

Trao đổi với các doanh nghiệp dự hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, về hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng, thành phố hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch cần thiết.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị.

Liên quan đến các công trình xây dựng, thành phố có chủ trương cho phép thi công khi bảo đảm các điều kiện về phòng, chống dịch, kiểm soát công nhân không đi từ vùng dịch về hoặc không tiếp xúc với người bị cách ly. 

Về cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung thông tin, thành phố đã có 1.818 thủ tục dịch vụ công, chiếm tỷ lệ 82% ở mức độ 3, 4. Các thủ tục còn lại sẽ phấn đấu hoàn thành trong tháng 4-2020. Đồng thời, thành phố cũng đã rà soát 1.818 thủ tục, đến hết tháng 4 và đầu tháng 5-2020 sẽ cập nhật các dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia. 

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, thành phố đã có ứng dụng Hà Nội SmartCity có thể tiếp nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trên mọi lĩnh vực. Đây là ứng dụng phục vụ cho thành phố thông minh, các doanh nghiệp có thể gửi ý kiến kiến nghị, đề xuất lên thành phố.

Về chính sách thuế mà doanh nghiệp đề xuất như giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, tiền sử dụng đất, kéo dài thời hạn hỗ trợ, tín dụng…, Chủ tịch UBND thành phố ghi nhận và cho biết, sắp tới, khi Chính phủ làm việc với Hà Nội, thành phố sẽ kiến nghị lên Chính phủ.

Với các đề xuất cụ thể của doanh nghiệp liên quan đến triển khai dự án, giải phóng mặt bằng…, thành phố tiếp thu và giải quyết từng dự án ngay sau hội nghị này.

“Tinh thần là dự án đã giải phóng xong mặt bằng một phần, thành phố sẽ xem xét giao cho doanh nghiệp để triển khai dự án mà không chờ đợi giải phóng hết”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết.

Chủ tịch UBND thành phố cũng gợi ý, trên địa bàn thành phố thiếu kho lạnh bảo quản hàng hóa, nông sản. Thành phố đã có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp nghiên cứu, xúc tiến đầu tư, hình thành chuỗi kho lạnh trên địa bàn thành phố.  

Chủ tịch UBND thành phố cũng giao nhiệm vụ cho các sở, ngành giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, như về phát triển cụm công nghiệp, Sở Công Thương có trách nhiệm đốc thúc đẩy nhanh tiến độ, đồng thời, kêu gọi đầu tư thêm các khu công nghiệp theo quy hoạch.  

Chia sẻ thông tin về dịch Covid-19, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, kinh nghiệm các nước áp dụng chống dịch hiệu quả, sau này sẽ có cơ hội phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn. “Mong rằng cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng thành phố để phòng, chống dịch triệt để”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Thành lập tổ công tác giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, thành phố cam kết sẽ làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch theo nguyên tắc bảo đảm tính mạng của người dân. Đây sẽ là tiền đề cho sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị.

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, sau khi có quy định của Chính phủ, thành phố cam kết chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai quyết liệt, kịp thời, đúng đối tượng, bảo đảm công khai, minh bạch, tuyệt đối không được nhũng nhiễu, tiêu cực trong cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Đối với kiến nghị vượt thẩm quyền của thành phố, thành phố sẽ tổng hợp để dự kiến tuần tới báo cáo Thủ tướng Chính phủ với tinh thần ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp. 

Với vấn đề thuộc thẩm quyền, UBND thành phố sẽ giải quyết ngay hoặc sớm trình HĐND thành phố thông qua, trong đó có một số cơ chế đặc thù. Thành phố cũng cam kết đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng với phòng, chống dịch. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công theo nguyên tắc “góp gió thành bão”, tạo động lực thúc đẩy đầu tư tư nhân. 

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng cho biết, thành phố sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh các lĩnh vực sản xuất kinh doanh như: Công nghệ thông tin, mô hình chia sẻ, các lĩnh vực ưu thế như sản xuất thiết bị cho phòng, chống dịch… để tạo cầu cho doanh nghiệp.

Đồng chí Vương Đình Huệ cũng cho rằng, nếu chỉ dựa vào chuỗi cung ứng thế giới sẽ rất khó khăn, do đó các doanh nghiệp trong thành phố cần tập trung cung ứng sản phẩm cho hơn 10 triệu người dân Thủ đô. Thành phố tạo điều kiện thông thương cho sản xuất, tiêu thụ hàng hóa để tạo cầu cho doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.

Đối với gợi ý thành lập tổ công tác, Ban Chỉ đạo và phục hồi kinh tế của thành phố, Thành ủy sẽ nghiên cứu. Trên thực tế, thành phố duy trì họp giao ban và đều đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch, duy trì sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế. 

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng yêu cầu UBND thành phố thành lập tổ công tác do một đồng chí Phó Chủ tịch làm tổ trưởng để xem xét, giải quyết những vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp. 

Liên quan đến tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn sản xuất kinh doanh trong thời điểm chống dịch…, bên cạnh các tiêu chí chung của các ngành, cần bảo đảm an toàn phòng, chống dịch nhưng vẫn bảo đảm sản xuất kinh doanh. Thành phố sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn nữa danh mục, ngành nghề được kinh doanh… 

Sau cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố sẽ có chương trình kế hoạch hành động cụ thể, phân công rõ trách nhiệm của từng bộ phận... để thực hiện công việc thông suốt. Hà Nội đã hứa với Chính phủ, phấn đấu tăng trưởng chung của Hà Nội gấp 1,3 lần bình quân tăng trưởng chung của cả nước. Ngoài cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, thành phố mong muốn doanh nghiệp sẽ chung tay thực hiện mục tiêu này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãnh đạo thành phố Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.