Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Võng Thị

LANHUONG| 16/05/2006 12:06

(HNMĐT) - Làng Võng Thị nay thuộc phường Bưởi quân Tây Hồ, thời Lê là một phường thuộc huyện Quảng Đức của Kinh thành Thăng Long. Sang thời Nguyễn, Võng Thị là một phường thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận, phủ Phụng Thiên (năm 1805 đổi là phủ Hoài Đức, năm 1831 là tỉnh Hà Nội, năm 1915 đổi thành một xã thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, đến năm 1942, huyện này đổi thành Đại Lý Đặc biệt Hà Hội).

(HNMĐT) - Làng Võng Thị nay thuộc phường Bưởi quân Tây Hồ, thời Lê là một phường thuộc huyện Quảng Đức của Kinh thành Thăng Long. Sang thời Nguyễn, Võng Thị là một phường thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận, phủ Phụng Thiên (năm 1805 đổi là phủ Hoài Đức, năm 1831 là tỉnh Hà Nội, năm 1915 đổi thành một xã thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, đến năm 1942, huyện này đổi thành Đại Lý Đặc biệt Hà Hội).

Trong kháng chiến chống Pháp, làng nhập với các làng bên thành một xã thuộc quận IV. Hòa bình lập lại thành một khối phố thuộc tiểu khu Bưởi. Từ năm 1981 nằm trong phường Bưởi quận Ba Đình, từ năm 1996 thuộc quận Tây Hồ.

Võng Thị là một làng cổ ở ven Hồ Tây. Xưa kia, làng chỉ có một số ít ruộng nằm ven hồ, nên chỉ có một bộ phận rất nhỏ làm ruộng kết hợp thả sen; còn đa phần dân làng sống bằng nghề đánh cá trong Hồ Tây. Tên gọi “Võng Thị” xuất phát từ đặc điểm này (Võng là lưới cá). Cũng có ý kiến cho rằng, từ xa xưa tại đây đã hình thành một chợ bán lưới đánh cá nên gọi như vậy. Ngoài đánh cá, dân làng còn làm giấy, dệt vải và buôn bán. Cạnh đình làng hiện nay có bến Cổ Độ, làm một bến lớn, xưa kia trên bến dưới thuyền buôn bán sầm uất. Bến này là “vệ tinh” của chợ Bưởi cách làng không xa - một chợ lớn ở ngoại ô Kinh đô Thăng Long xưa.

Làng Võng Thị hiện còn ngôi đình, vốn là đền Sùng Khánh. Tục truyền đền được dựng vào cuối đời Vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128). Theo bia ký còn lại trong đình thì đến năm Tân Dậu niên hiệu Vĩnh Tộ (1621), chúa Trịnh Tráng cho tu bổ đền và sai Phủ doãn Phụng Thiên Bùi Tất Thắng soạn văn bia. Năm Mậu Tuất niên hiệu Cảnh Hưng (1778), bà Nguyễn Thị... người làng Linh Đường huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) là vợ của ông Hoàng Quý Hầu - một võ quan trong phủ chúa Trịnh đã cúng cho phường 200 quan tiền, 3 mẫu ruộng, 1 đầm nước, 2 con trâu cùng rất nhiều đồ gia dụng để phường dùng vào việc công và tu bổ đền, nên bà được làng tôn làm Hậu Thần, sau khi bà mất được dân phường cúng giỗ theo lệ định ghi trong bia.

Đình Võng Thị thờ Mục Thận – theo vănbia còn lưu, là người làng, một đạo sĩ có danh, đã quăng lưới bắt “hổ” - chính là Thái sư Lê Văn Thịnh trong “Vụ án hồ Dâm Đàm” vào tháng Ba năm Bính Tý đời Vua Lý Nhân Tông (năm 1096) mà các bộ sử lớn thời phong kiến của nước ta đã ghi. Tuy nhiên, gần đây, các nhà nghiên cứu đã phủ nhận thực chất của “vụ án hồ Dâm Đàm, Thái sư Lê Văn Thịnh đội lốt hổ giết vua để cướp ngôi, khi vua dạo thuyền trên hồ” được ghi chép trong chính sử nước nhà. Các nghiên cứu đã khẳng định, Lê Văn Thịnh (người làng Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, đỗ đầu kỳ thi Nho học đầu tiên của nước nhà - năm ?t Mão, 1075) thật sự là người có tài cả văn và võ, từng dẫn đầu phái bộ sang nhà Lý sang Quảng Tây, đàm phán thành công, buộc nhà Tống phải trả lại cho nước ta 6 huyện và 6 động mà hộ đã chiếm, rồi làm Thái sư (Tể tướng) trong 11 (1085 - 1096). Vì ông có tài, bộc trực nên ông bị các quan trong triều đố kỵ, dựng ra “vụ án hồ Dâm Đàm” để vu hại. điều này cần được tuyên truyền cho mọi người hiểu rõ.

Ngày nay, trong hướng phát triển của quân Tây Hồ, đình Võng Thị được tu bổ làm điểm tham quan du lịch trong vùng du lịch văn hóa Hồ Tây.

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Võng Thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.