Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Thịnh Yên

TUYETMINH| 19/12/2006 10:38

(HNMĐT)- Làng Thịnh Yên nay là khu vực các phố : Chùa Vua, Thịnh Yên, Trần Cao Vân thuộc phường Phố Huế, vốn là làng Thịnh Xương cùng với một phần các làng : Yên Thọ và Sài Tân hợp lại vào giữa thế kỷ XIX.

(HNMĐT)- Làng Thịnh Yên nay là khu vực các phố : Chùa Vua, Thịnh Yên, Trần Cao Vân thuộc phường Phố Huế, vốn là làng Thịnh Xương cùng với một phần các làng : Yên Thọ và Sài Tân hợp lại vào giữa thế kỷ XIX. Trước khi hợp nhất, ba bộ phận cư dân này cùng thuộc tổng Tả Nghiêm, sau khi hợp nhất thành làng Thịnh Yên thuộc tổng Kim Liên, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội. Từ năm 1899 thuộc quận 8 thành phố Hà Nội. Sau hòa bình lập lại thuộc các khu, tiểu khu khác nhau. Từ năm 1981 thuộc phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng.

Cho đến đầu những năm 40 của thế kỷ XX, mặc dù là đông dân (4448 người) và ở cách trung tâm Hà Nội không xa, nhưng Thịnh Yên vẫn mang dáng dấp của một làng quê ngoại ô, chưa hình thành các con phố, nhà cửa đều băng tranh tre nứa lá, chưa có điện và nước máy. Từ năm 1948, sau khi làm chủ nội thành, chính quyền bù nhìn lấy nơi đây làm nhà cho dân các nơi về hồi cư, “tỵ nạn”. Năm 1950, sau khi có quy hoạch, chính quyền chia đất thành từng lô để bán cho tư nhân xây nhà, các con phố trong làng hình thành. Dân cư các nơi về sinh sống ngày một đông.

Làng Thịnh Yên trước đây có nhiều di tích thờ cúng. Trước hết là ngôi đình ở số nhà 12 ngõ Thịnh Yên, dựng năm 1889, thờ thần Linh Lang; có ngôi chùa Hưng Khánh (dân gian thường gọi là chùa Vua) và một ngôi điện khá độc đáo là Đế Thích điện. Đế Thích (Indra) vốn là một vị thần trong đạo Ba la môn ở ấn Độ, sang đến Việt Nam, ngoài việc đổi tên thành “Đế Thích” và ngoài chức năng là “thần sấm sét”, thần lại mang thêm chức năng, quyền hành “cải tử hoàn sinh” cho người khác (chuyện “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” cũng xuất phát từ điển tích này) và đánh cờ rất giỏi. Trong các chùa, tượng Đế Thích thường đặt bên tượng Thích Ca sơ sinh, song nhiều làng lại lập điện thờ riêng để thờ, trong đó có làng Thịnh Yên (nhiều người cũng gọi ngôi đền này là Chùa Vua, do thấy tượng Đế Thích được tạc có dáng của nhà vua, mặc áo cổn, đội mũ miện). 

Tương truyền, Đế Thích điện do một ông hoàng đời Lê mê cờ xây nên, hàng năm, vào ngày 9 tháng Giêng, làm nơi tổ chức hội cờ, thi phá các nước độc đáo. Hội cờ thu hút nhiều kỳ thủ nổi tiếng của đất Hà Thành và nhiều địa phương trên miền Bắc. Ngoài ý nghĩa thi trí tuệ, hội còn mang ý nghĩa nghệ thuật qua trang phục của quân cờ người.


Làng Thịnh Yên trước đây còn có một di tích độc đáo là đàn Nam Giao, là nơi vua và đình thần làm lễ đàn tế trời hàng năm. Đàn được lập từ năm Quý Dậu niên hiệu Đại Định đời Vua Lý Anh Tông (năm 1153); đến niên hiệu Quang Thuận đời Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1469) sửa lại và mở rộng quy mô gồm 3 gian chính điện và tả vu, hữu vu. Giữa thế kỷ XIX, đền bị phá bỏ.

Vào đầu những năm 40 của thế kỷ XX, trong khu vực làng Thịnh Yên hình thành một chợ buôn bán các loại đồ cũ, dân gọi là chợ Giời. Hòa bình lập lại, chợ này nhập thêm một số “chợ trời” khác trong nội thành, trở thành một chợ lớn và đổi tên thành “chợ Hòa Bình”.

Từ một làng quê ngoại ô, Thịnh Yên ngày nay trở thành nơi buôn bán sầm uất. 

PGS.TS. Bùi Xuân Đính
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng Thịnh Yên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.