Đối với văn nghệ sĩ nước nhà, lòng yêu nước, yêu con người, yêu cuộc sống và ánh sáng trí tuệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không ngừng tỏa rạng, là nguồn cảm hứng chưa bao giờ vơi cạn. Không chỉ những tác phẩm về Người của thế hệ đi trước vẫn sống mãi với thời gian, mà nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật ra mắt gần đây ghi dấu ấn tiếp tục khẳng định sức sống mãnh liệt của đề tài về Bác Hồ trong đời sống đương đại.
Tiếp nối dòng cảm hứng sáng tác về Người
Đúng vào dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã hoàn thành và cho ra mắt trọn bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” về hình tượng Bác. Đây là công trình tâm huyết mà tác giả đã ấp ủ, chuẩn bị và thực hiện trong 20 năm, bằng sự nghiên cứu lịch sử, chính trị, văn hóa công phu, nghiêm cẩn; bằng sự trải nghiệm, tích lũy vốn sống nhiều năm ở quê hương Nghệ An và nhiều vùng đất trong, ngoài nước.
Bộ tiểu thuyết gồm 5 tập, khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các giai đoạn lịch sử: “Nợ nước non” (1890-1911), “Lênh đênh bốn biển” (1911-1941), “Từ Việt Bắc về Hà Nội” (1941-1945), “Đường lên Điện Biên” (1945-1954), “Việt Nam - Hồ Chí Minh” (1954-1969). “Nước non vạn dặm” là bộ tiểu thuyết đầu tiên của văn học đương đại Việt Nam phản ánh đầy đủ, sâu sắc về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ở lĩnh vực sân khấu, hai vở kịch “Đêm trắng” và “Người đi dép cao su” của Nhà hát Kịch Việt Nam ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. “Đêm trắng” của tác giả Lưu Quang Hà, Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc đạo diễn, ngời sáng hình tượng vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc cùng thông điệp nhân văn “Trừng trị để giáo huấn”. Còn “Người đi dép cao su” - tác giả Kateb Yacine, đạo diễn Lê Mạnh Hùng, khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở góc độ một con người đời thường, bình dị mà lớn lao, lãnh đạo dân tộc quật cường đi đến thắng lợi. Hai tác phẩm đang trong đợt biểu diễn “Tháng năm cùng Người”, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả.
Trong những ngày tháng 5 nhớ Bác, Liên đoàn Xiếc Việt Nam ra mắt chương trình “Sen” kết hợp giữa nghệ thuật xiếc và các bài hát về Người, ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh và biểu tượng sen Việt Nam, tại Rạp Xiếc Trung ương.
Ra mắt từ năm 2024 và đang được chiếu miễn phí trên cả nước trong đợt phim kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác, phim truyện “Vầng trăng thơ ấu” (Nghệ sĩ ưu tú Hồ Ngọc Xum đạo diễn), tái hiện thời niên thiếu của Bác Hồ và những năm tháng Người sống ở kinh thành Huế. Bộ phim lồng ghép những yếu tố nghệ thuật, nhấn vào tình mẫu tử thiêng liêng, đã lay động khán giả. Phim tài liệu “Những nét vẽ từ trái tim” của đạo diễn Nguyễn Tú Đức ra mắt gần đây khắc họa những phẩm chất cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các bức tranh tiêu biểu, được thể hiện bằng tinh thần giản dị, trí tuệ và lòng yêu nước sâu sắc của các họa sĩ.
Tiếp nối dòng chảy sáng tác âm nhạc về hình tượng Hồ Chí Minh đã thành công những năm qua, các nhạc sĩ Hà Nội tràn đầy cảm hứng cho ra mắt những tác phẩm mới với góc tiếp cận và âm hưởng của thời đại hôm nay. Ví dụ như ca khúc: “Ngọn lửa Pác Bó” (Cát Vận), “Đường xoài hoa trắng” (nhạc sĩ Trần Vũ Trang, phổ thơ Tố Hữu), “Ngôi sao ước mơ” (Trọng Lưu), “Vẫn còn đây lời Bác” (Trần Việt Hưng), “Thăm Làng Sen” (Quang Hiển)...
Lan tỏa di sản của Người thông qua tác phẩm
Những tác phẩm văn học, nghệ thuật mới về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục ra đời cho thấy, Bác luôn là nguồn cảm hứng, là đề tài bất tận cho văn nghệ sĩ. Đã có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật đồ sộ về Bác được công chúng ghi nhận và khắc sâu vào tâm trí, nhưng nhà văn Nguyễn Thế Kỷ vẫn mạnh dạn dấn thân với mong muốn tiếp tục làm dày thêm kho tàng sáng tác về Người. Ông chia sẻ, mình bắt tay viết bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” từ tình yêu kính vô cùng thiêng liêng đối với Bác.
Điều đặc biệt là các văn nghệ sĩ hiện nay không ngừng đổi mới cách thể hiện, tiếp cận đa dạng hơn khi sáng tác về hình tượng Bác. Như vở kịch “Đêm trắng” được Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc dàn dựng có lối kể chuyện và diễn xuất hiện đại, lời thoại cũng gần gũi với khán giả hôm nay. Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, thể hiện những đề tài lớn như về Đảng, Bác Hồ, cách mạng… bằng nghệ thuật xiếc sẽ giúp khán giả tiếp cận một cách tự nhiên, sinh động và để lại nhiều ấn tượng hơn.
Là đạo diễn bộ phim “Những nét vẽ từ trái tim”, đạo diễn Nguyễn Tú Đức bày tỏ: “Làm phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ thiêng liêng và đầy thử thách, đặc biệt với một đạo diễn trẻ. Việc thể hiện hình tượng Bác sao cho vừa gần gũi, chân thực mà vẫn giữ được sự tôn kính, đúng với giá trị lịch sử, đòi hỏi sự cẩn trọng và thấu hiểu sâu sắc”. Ê kíp đã nghiên cứu, đọc nhiều tư liệu và gặp gỡ các nhân vật để thực hiện bộ phim.
Với niềm tôn kính sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, các văn nghệ sĩ đã và đang làm giàu thêm sáng tác văn học, nghệ thuật về Bác. Thông qua tác phẩm của mình, họ góp phần đưa những di sản quý giá của Người lan tỏa sâu rộng, tiếp lửa truyền thống để thế hệ trẻ hôm nay học tập và làm theo tấm gương của Bác, xây dựng đất nước hùng cường trong kỷ nguyên mới như di nguyện của Người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.