(HNM) - Thời điểm hiện tại, các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tất bật vào vụ sản xuất cao điểm cuối năm. Tín hiệu tích cực theo mùa xuân đang về cùng những đơn hàng. Các cơ quan chức năng của thành phố đang phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều giải pháp để kết nối tiêu thụ sản phẩm làng nghề.
Tập trung tăng công suất
Xưởng sản xuất miến dong Dương Phương của hộ gia đình bà Vương Thị Hợp, xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) luôn có hàng chục nhân công ngày đêm sản xuất, đáp ứng các đơn hàng đã được ký kết. “Trung bình mỗi ngày xưởng nhà tôi làm khoảng 4 tấn miến, vào dịp cuối năm như hiện tại phải tăng sản lượng gấp 3-4 lần so với ngày thường để đáp ứng đơn hàng của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đến từ nhiều tỉnh, thành phố… Riêng tháng cao điểm Tết Nguyên đán có thể thu về gần 1 tỷ đồng…” - bà Vương Thị Hợp cho biết.
Hiện tại, xã Tân Hòa có hơn 60 cơ sở làm miến. Nghề này mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ sản xuất và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Theo Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Vương Sỹ Trung, hầu hết chủ cơ sở sản xuất miến đã đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm máy móc, trang bị dây chuyền khép kín từ khâu lọc bột, làm chín cho đến tráng miến. Công nghệ hiện đại kết hợp với kỹ thuật làm nghề lâu năm đã tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường tại nhiều tỉnh, thành phố. Những tháng cuối năm, các cơ sở sản xuất đã tăng công suất lên nhiều lần mới đủ sản phẩm cung ứng cho thị trường. Doanh thu từ làng nghề sản xuất miến đạt hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Nhờ đó, đời sống của người dân địa phương khá ổn định.
Cũng hối hả như làng nghề làm miến Tân Hòa, những ngày này, làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) cũng nhộn nhịp, tất bật hơn, đi đến đâu cũng nghe tiếng đục đẽo lách cách của các hộ làm nghề. Xã Sơn Đồng có 400 hộ với hơn 4.000 lao động theo nghề truyền thống. Vào dịp cuối năm, làng nghề như vào hội bởi lượng hàng hóa phải trả cho khách hàng tăng nhiều lần.
“Hiện nay, sản phẩm của làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng chiếm trên 50% thị trường toàn quốc về tượng và đồ thờ…; được nhiều khách quốc tế đặt hàng và xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. Những ngày cuối năm, cơ sở sản xuất của gia đình tôi cũng như nhiều cơ sở khác của làng nghề hoạt động hết công suất bởi lượng hàng phải trả cực lớn...” - anh Nguyễn Trung Thành ở xã Sơn Đồng cho biết.
Tương tự, các làng nghề truyền thống làm bánh kẹo, tương nếp, làng nghề hoa cây cảnh… trên địa bàn thành phố cũng đang tập trung cho vụ sản xuất cao điểm để có đủ sản phẩm cung ứng ra thị trường.
Thúc đẩy kết nối tiêu thụ sản phẩm
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, sản phẩm làng nghề Hà Nội đa dạng, phong phú; đa số có mẫu mã đẹp, chất lượng cao; một số mặt hàng có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường quốc tế... Tổng doanh thu từ 318 làng nghề, làng nghề truyền thống và làng có nghề trên địa bàn thành phố đạt trên 20.000 tỷ đồng mỗi năm.
Những năm gần đây nhiều sản phẩm làng nghề đã tham gia xếp hạng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó định hình thương hiệu, góp phần gia tăng giá trị làng nghề. Để hỗ trợ làng nghề trưng bày, quảng bá sản phẩm dịp cuối năm, nhiều địa phương đã tổ chức hội chợ, gian hàng giới thiệu sản phẩm, qua đó tăng sức mua bán, trao đổi hàng hóa cho các làng nghề.
Từ nay đến cuối năm, huyện Thanh Oai sẽ triển khai từ 2 đến 3 khu trưng bày, hội chợ tại các địa phương để quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề. Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, đây là thời điểm mà người dân, du khách tập trung tham quan, mua sắm nên huyện sẽ hỗ trợ làng nghề triển khai các điểm giới thiệu sản phẩm nhằm đẩy mạnh sức tiêu thụ cho các làng nghề… Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng thông tin, Đông Anh đã xây dựng kế hoạch mở các hội chợ, khu giới thiệu sản phẩm nhằm quảng bá sản phẩm làng nghề của huyện trong dịp cuối năm.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, cùng với việc phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và các địa phương mở thêm điểm giới thiệu, quảng bá, qua đó kết nối đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm làng nghề, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận hình thành các kênh bán hàng trực tuyến, ứng dụng công nghệ bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại… “Sở NN&PTNT sẽ thành lập đoàn kiểm tra các làng nghề chế biến thực phẩm nhằm giám sát chặt chẽ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm đưa những mặt hàng có chất lượng, giá trị cao đến với người tiêu dùng Thủ đô…” - Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.
Những tín hiệu tích cực đang tràn về làng nghề Hà Nội trong không khí tất bật, nhộn nhịp với các đơn hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Nghề truyền thống không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ sản xuất mà còn mang đến những sản phẩm độc đáo, những hương vị ấm áp cho mỗi người, mỗi nhà trong dịp Tết đến, xuân về.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.