Nông nghiệp - Nông thôn

Làng nghề ngoại thành Hà Nội: Tất bật chạy “nước rút”

Đỗ Minh 31/12/2023 - 15:06

Trong những ngày này, khắp các làng nghề ngoại thành Hà Nội không khí luôn tất bật, nhộn nhịn và “gấp gáp”. Theo người dân làng nghề, thời điểm Tết Dương lịch là thời điểm “nước rút” để hoàn thành các đơn hàng cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Hối hả vụ Tết

Những ngày cuối năm, tại các nhà vườn ở làng Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) không khí hối hả, nhộn nhịp thực hiện các công đoạn chăm sóc cây để đưa đào ra thị trường, phục vụ cho nhu cầu của người dân vào dịp Tết Giáp Thìn năm 2024.

Ông Chu Mạnh Hùng, chủ vườn ở Nhật Tân chia sẻ: "Những ngày cuối năm Tết Dương lịch, du khách đến tham quan, chụp ảnh và đặt hàng cây cho Tết Nguyên đán. Với người dân, đây là thời điểm tận hưởng những ngày nghỉ, còn người dân làng nghề tất bận đón khách, chăm sóc cây cho những đơn hàng vào dịp Tết Nguyên đán. Thời điểm này, người dân Nhật Tân “ăn ngủ” tại vườn, chẳng có thời gian mà nghỉ”.

nhat-tan.jpg
Người dân đến tham quan tại vườn đào Nhật Tân, Tây Hồ.

Nhộn nhịp chẳng kém, những ngày này tại làng miến thôn Cự Đà, xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) đâu đâu cũng thấy mùi đặc trưng của miến dong. Tại cơ sở sản xuất miến của bà Nguyễn Thị Quyến (58 tuổi), hơn 10 nhân công phải làm việc liên tục từ 7h đến 19h mỗi ngày để kịp trả đơn hàng cho khách. Theo bà Quyến, thời điểm Tết Dương lịch lại là giai đoạn “nước rút” để các cơ sở trả những đơn hàng cho thị trường cuối năm Tết Nguyên đán.

“Các công đoạn sản xuất miến phải làm liên tục, chính xác, ít nhất 2-3 người cùng làm mới có thể hoàn thành. Trung bình mỗi ngày đơn đặt hàng lên đến 1,5 tấn. Giá miến vào thời điểm hiện tại từ 50.000 - 120.000 đồng/kg, tùy loại”, bà Quyến thông tin.

mien-cu-da.jpg
Người dân làng nghề Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai tất bật vụ Tết.

Tương tự, đến làng nghề xã Tiền Phong (huyện Thường Tín) thời điểm này, ai cũng ngỡ ngàng bởi sự tấp nập, sầm uất nơi đây. Những chuyến xe tải chở hàng vào ra, những tiếng dệt văng vẳng khắp xóm làng, trong từng nhà. Hiện tại, 100% người dân Trát Cầu đều làm nghề sản xuất chăn, ga, gối đệm. Đây là thời điểm người làng Trát Cầu bận rộn nhất trong năm.

Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Đỗ Duy Sơn cho hay, hiện, làng Trát Cầu có hơn 1.200 hộ và hơn 50 doanh nghiệp sản xuất chăn ga, gối đệm, mỗi doanh nghiệp thường xuyên sử dụng khoảng 20 lao động. Ngoài doanh nghiệp, hàng trăm hộ làm nghề chăn ga, gối đệm đã đầu tư máy móc hiện đại, như máy trần, máy thêu, dây chuyền sản xuất mút tấm, mút cây, ruột đệm… Doanh thu của các hộ đạt từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. “Thời điểm này, người dân làng nghề đang chạy đua với thời gian để hoàn thành các đơn hàng đã được đặt trước đó”, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Đỗ Duy Sơn chia sẻ.

Đất trăm nghề thu nghìn tỷ

Theo thống kê, Hà Nội quy tụ khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm khoảng 56% tổng số làng ở khu vực nông thôn; trong đó, có 318 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống và hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Hầu hết các làng nghề tập trung ở các huyện ngoại thành cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian qua, các làng nghề truyền thống và làng có nghề trên địa bàn Thủ đô đều có sự tăng trưởng về giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu và hơn 100 làng nghề đạt doanh thu bình quân 10-20 tỷ đồng/năm/làng nghề; gần 70 làng nghề đạt doanh thu 20-50 tỷ đồng/năm/làng nghề và khoảng 20 làng nghề có doanh thu trên 50 tỷ đồng/năm/làng nghề. Một số làng nghề có doanh thu cao, như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đạt 2.850 tỷ đồng/năm; làng nghề bánh kẹo, dệt kim La Phù (huyện Hoài Đức) đạt 1.301 tỷ đồng/năm…

diem-ban-hang-ttin.jpg
Điểm giới thiệu sản phẩm làng nghề của huyện Thường Tín.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, dịp cuối năm, hầu hết làng nghề đều tăng công suất gấp 2-3 lần so với những tháng trước đó, nhất là các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm… Trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Sở Công Thương, các quận, huyện mở nhiều điểm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, qua đó kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề.

Để hỗ trợ cho các làng nghề phát triển, nhiều huyện gắn phát triển kinh tế làng nghề với du lịch sinh thái và trải nghiệm, từ đó, tạo bứt phá cho những làng nghề ngoại thành vươn lên thành “trụ đỡ” kinh tế của địa phương. Từ hướng đi đó, những năm qua, du lịch đã góp phần tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp tại địa phương...

hong-van.jpg
Điểm giới thiệu sản phẩm làng nghề tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) Nguyễn Hải Đăng, xã Hồng Vân là một trong những làng nghề sinh vật cảnh nổi tiếng của Thủ đô, đến nay, xã đã hoàn thiện xây dựng khu trải nghiệm Sen Hồng thuộc quần thể chùa Khánh Vân; trùng tu, tôn tạo đình Cả; hoàn thiện đầu tư khu đảo hoa tiên - Xứ mây hồng, diện tích 2ha ở khu vực bãi sông Hồng - nơi gắn với truyền thuyết về Chử Đồng Tử gặp Tiên Dung... Đặc biệt, để giữ chân du khách ở lại lâu hơn, xã Hồng Vân còn cải tạo trụ sở UBND xã cũ làm nơi lưu trú cho du khách. Địa phương cũng đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ hướng dẫn viên và thành viên Ban quản lý du lịch về nghiệp vụ đón khách; hướng dẫn các nhà vườn đầu tư nâng cấp sản phẩm du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Cùng với việc gắn phát triển du lịch với làng nghề, nhiều địa phương còn xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm làng nghề, thúc đẩy xúc tiến, quảng bá làng nghề và sản phẩm nghề. Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho hay, trên địa bàn huyện đã hình thành 3 điểm giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP của huyện và các địa phương, tỉnh, thành phố bạn. Những ngày cuối năm, người dân đến các điểm mua sắm, tham quan khá đông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề ngoại thành Hà Nội: Tất bật chạy “nước rút”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.