Công nghiệp văn hóa

Giữ lửa đất trăm nghề: Bài cuối: Đánh thức tiềm năng, kết nối đa ngành

Nhóm phóng viên 06/08/2023 - 06:49

Làng nghề truyền thống chứa đựng những tiềm năng và giá trị phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội to lớn. Phóng viên Báo Hànộimới đã mang câu hỏi xung quanh câu chuyện bảo tồn, phát triển làng nghề tới những nhà quản lý, hoạch định chính sách và chuyên gia.

du-khach-tim-hieu-cac-san-p.jpg
Du khách tìm hiểu các sản phẩm sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái (huyện Thường Tín). Ảnh: Trọng Hiếu

Các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết phải đánh thức những tiềm năng, giá trị và phát huy những nét văn hóa tinh hoa chứa trong các làng nghề và người làm nghề thông qua sự kết nối đa ngành. Nhờ đó, các làng nghề không phải “đơn độc” trong hành trình phát triển.

- Câu chuyện bảo tồn và phát triển làng nghề không phải bây giờ mới được nhắc đến, nhất là khi tiềm năng còn rất lớn. Chúng ta có thể nhìn nhận, đánh giá ngắn gọn như thế nào về tiềm năng to lớn của làng nghề ở Hà Nội?

- Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền: Có thể khẳng định nguồn lực về làng nghề Hà Nội là rất lớn trên cả hai phương diện: Kinh tế và văn hóa. Đặc biệt, phát triển làng nghề, nghề truyền thống cũng là một chỉ tiêu được đề ra trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.

Theo đó, đến hết năm 2023, thành phố công nhận thêm 15 làng nghề, nghề truyền thống; 12 làng nghề, nghề truyền thống được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể. Đến năm 2025, thành phố công nhận thêm 50 làng nghề, nghề truyền thống; có ít nhất 100 làng nghề, nghề truyền thống được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; 100% làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc danh mục được đánh giá tác động môi trường.

- Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh: Với 126 làng cổ có nghề, trong đó có 48 làng được công nhận làng nghề truyền thống, huyện Thường Tín xác định đây là nguồn lực lớn cho sự phát triển bền vững của huyện, đặc biệt về khía cạnh kinh tế và văn hóa.

- Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Trịnh Quốc Đạt: Trong số gần 5.400 làng nghề ở Việt Nam, Hà Nội chiếm một tỷ lệ khá lớn. Làng nghề của Hà Nội phong phú và đa dạng với đủ các lĩnh vực, có tính sáng tạo cao với các sản phẩm thủ công đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc văn hóa nổi tiếng khắp cả nước.

- Vậy những giải pháp phát huy nguồn lực từ các làng nghề tại Hà Nội đã được thực hiện như thế nào?

- Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền: UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 10-2-2023 về phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố năm 2023. Mục đích của kế hoạch này là góp phần kiến tạo môi trường, triển khai các hoạt động hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất, kinh doanh làng nghề, từ đó hình thành và phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP. Đồng thời, thúc đẩy phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn.

Đáng chú ý, đây cũng là cơ hội để tạo môi trường liên kết giữa nghệ nhân, đội ngũ thiết kế trẻ với tinh thần khởi nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành, tổ chức quốc tế phát huy ưu thế văn hóa địa phương, khát vọng phát triển kinh tế của cộng đồng tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn các huyện, thị xã.

- Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh: Từ năm 2017, HĐND huyện đã ban hành nghị quyết hằng năm dành 1% tổng chi ngân sách của huyện để đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích, trong đó có cả các làng nghề truyền thống. Huyện đã quy hoạch các điểm, cụm công nghiệp làng nghề để tạo không gian sản xuất cho làng nghề phát triển. Đặc biệt, huyện đã kết nối du lịch với quảng bá làng nghề, coi đây là một hướng đi cần thiết để giữ nghề, phát triển nghề.

Bên cạnh đó, hằng năm, huyện đều đưa các nghề truyền trống vào chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đề nghị các làng nghề truyền thống thống kê các nghệ nhân và thợ có tay nghề giỏi để hỗ trợ đủ tiêu chí đề nghị thành phố và trung ương phong tặng các danh hiệu nghệ nhân, giúp các làng nghề có người giữ nghề và bảo đảm tính kế thừa trong hoạt động làng nghề.

- Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Trịnh Quốc Đạt: Điểm đặc biệt là các làng nghề truyền thống của Hà Nội có lịch sử lâu đời, có tuổi nghề hàng nghìn năm. Trong các làng nghề, những tinh hoa nghề nghiệp được truyền lại từ đời này qua đời khác, các mẫu mã sản phẩm tinh hoa cũng được lưu truyền, chọn lọc qua nhiều thế hệ; có những sản phẩm là bảo vật quốc gia. Từ nhiều năm nay, thành phố và các quận, huyện, thị xã cũng như các đơn vị du lịch đã có nhiều hoạt động kết nối làng nghề với ngành Du lịch để giữ sức sống cho làng nghề. Đây là hướng đi đúng cần tiếp tục được khai thác.

- Dù vậy, sự phát triển của làng nghề Hà Nội lại chưa được như kỳ vọng. Vì thế, chúng ta cần thực hiện những giải pháp gì trong thời gian tới?

- Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền: UBND thành phố yêu cầu Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp các sở, ngành trong năm 2023 phải hoàn thành xây dựng quy hoạch phát triển làng nghề Hà Nội giai đoạn 2021-2030, định hướng 2040 và trong giai đoạn 2023-2025 xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo sản phẩm làng nghề Hà Nội.

Những vấn đề về chính sách phát triển làng nghề, bảo tồn làng nghề, thúc đẩy đào tạo nghề, truyền nghề, cấy nghề, hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, xử lý môi trường… tại các làng nghề, làng nghề truyền thống sẽ được tháo gỡ. Cùng với đó, UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện xây dựng quy hoạch, trong đó quy hoạch cụm, khu công nghiệp làng nghề là nhóm quy hoạch quan trọng. Điều này sẽ tạo cho các làng nghề truyền thống có một không gian phát triển tương xứng.

- Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh: Đến nay, Thường Tín có 4 điểm làng nghề được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch, đó là làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái, điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm.

Huyện Thường Tín cũng đang rà soát, triển khai xây dựng các điểm du lịch tại các làng nghề truyền thống khác. Mỗi điểm du lịch làng nghề đều phải quy hoạch bãi đỗ xe, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, điểm du lịch trải nghiệm trong không gian nghề…, tạo sự liên kết giữa văn hóa, kinh tế du lịch, thương mại, dịch vụ để thúc đẩy làng nghề vươn lên.

- Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Trịnh Quốc Đạt: Theo tôi, bên cạnh kết nối làng nghề với các đơn vị du lịch, thành phố cần tổ chức nhiều hơn các lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng thiết kế cải tiến sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho các nghệ nhân, thợ giỏi. Bên cạnh đó, các bộ, ngành của Trung ương và các địa phương thường xuyên tổ chức các hội thi sản phẩm làng nghề ứng dụng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP, vừa khuyến khích thiết kế cải tiến sáng tạo sản phẩm, vừa lựa chọn được nhiều mẫu mã đẹp để áp dụng trong sản xuất. Các bộ cần có viện nghiên cứu thiết kế sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề để định hướng thiết kế sản xuất cho các doanh nghiệp và làng nghề cả nước, thì sẽ không có tình trạng làng nghề “đơn độc” trong quá trình phát huy tiềm năng, lợi thế để bảo tồn, phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ lửa đất trăm nghề: Bài cuối: Đánh thức tiềm năng, kết nối đa ngành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.