Hà Nội có 321 làng được công nhận là làng nghề, làng nghề truyền thống. Không chỉ tạo ra giá trị kinh tế, làng nghề còn góp phần lưu giữ, kiến tạo những giá trị văn hóa, nghệ thuật, nét đặc trưng riêng của mỗi làng quê.
Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề tại Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, bởi vậy, việc tích cực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để làng nghề phát triển trong bối cảnh hội nhập là việc làm rất cần thiết.
Khi tài hoa kết tinh thành giá trị
Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam đã trải qua lịch sử phát triển hàng nghìn năm. Với đôi bàn tay khéo léo, sự năng động, bao thế hệ nghệ nhân tài hoa, thợ giỏi đã dày công sáng tạo bao tác phẩm độc đáo, tinh tế, chuyển tải nét đẹp truyền thống đặc sắc của từng địa phương tới cộng đồng và ra thế giới. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận xét: "Các tác phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề chính là nét tinh hoa, sự kết tinh giá trị văn hóa - xã hội, mang đậm bản sắc của quốc gia, dân tộc".
Đôi tay mềm mại đưa từng mũi kim trên khung thêu, Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi (làng nghề Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) chia sẻ, nghề thêu ở làng do tổ nghề Lê Công Hành truyền dạy từ khoảng thế kỷ XVII. Xưa kia, thợ thêu làng Đông Cứu được mời vào kinh thành thêu trang phục cho vua quan trong triều... Ngày nay, người làng vẫn thêu phục chế trang phục truyền thống để phục vụ công tác bảo tồn văn hóa, làm phim; thêu câu đối, tán, lọng, áo lễ, trang phục lễ hội... Với kỹ thuật thêu truyền thống đòi hỏi sự khắt khe, tỉ mỉ và rất nhiều tâm sức, mỗi tác phẩm thêu là một câu chuyện văn hóa gắn với mạch nguồn lịch sử của đất kinh kỳ nói riêng, văn hóa các vùng, miền nói chung.
Cũng là làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm, làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) đã nhanh nhạy ứng dụng khoa học, kỹ thuật, cải tiến quy trình sản xuất, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để thích ứng với xu thế thị trường. Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh Hà Thị Vinh, một trong những "đầu tàu" phát triển nghề gốm ở Bát Tràng, cho biết: "Công ty có 2 xưởng sản xuất tại Bát Tràng và Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh). Đến nay, hơn 90% sản phẩm gốm của công ty được xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia, không chỉ góp phần tăng doanh thu của công ty mà còn lan tỏa nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế" - bà Hà Thị Vinh chia sẻ.
Nổi tiếng với nghề tạc tượng và chế tác đồ thờ, làng nghề Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) hội tụ nhiều thợ trẻ tay nghề cao, nhanh nhạy trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất cũng như quảng bá, xúc tiến thương mại. Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng Nguyễn Viết Hùng cho hay, trên địa bàn hiện có khoảng 700 hộ làm nghề; mỗi năm, sản phẩm làng nghề Sơn Đồng mang lại nguồn thu hơn 2.850 tỷ đồng. Xã không còn hộ nghèo và đã hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2022.
Thêm cơ chế, chính sách phù hợp cho làng nghề
Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề tại Hà Nội hiện đang phải đối mặt với những rào cản, khó khăn. Theo Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, nhiều làng nghề phát triển tự phát, chưa có quy hoạch rõ ràng, đồng bộ với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy mô sản xuất, kinh doanh hộ gia đình nhỏ lẻ nên việc đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ tiên tiến gặp khó khăn, dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp.
Từ thực tế ở địa phương, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Trung (làng nghề mây, tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) cho biết, nguyên liệu sản xuất hiện là nỗi lo lớn nhất đối với người làng nghề. "Chúng tôi phải mua nguyên liệu ở xa, thậm chí phải nhập khẩu nguyên liệu từ Lào, Campuchia, Indonesia... nên chi phí sản xuất bị đẩy lên cao, gây khó khăn cho sản xuất" - ông Trung chia sẻ.
Không riêng gì Phú Vinh, theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Cường, toàn huyện hiện có 142 đơn vị, tổ hợp, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng mây, tre, lá, cỏ, mỗi năm tiêu thụ khoảng 600 tấn mây; 700 tấn song; 500.000 cây tre, nứa, giang; 100.000 cây trúc; 500 tấn cỏ tế. Thế nhưng, nguồn nguyên liệu luôn trong tình trạng thiếu hụt, còn giá bán sản phẩm bị khống chế bởi các nhà nhập khẩu nên thu nhập từ nghề mây, tre đan giảm đáng kể, khó phát triển.
Bên cạnh khó khăn về nguyên liệu là rào cản về hạ tầng. Cơ sở hạ tầng của phần lớn các làng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập. Điển hình là tại làng nghề Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), việc sản xuất diễn ra xen kẽ trong các khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ cháy nổ, ô nhiễm môi trường...
Trước thực trạng đó, nhiều giải pháp để làng nghề đứng vững, phát triển trong bối cảnh hội nhập đã được đưa ra. Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) Trần Thị Ngọc Lan cho biết, các thành viên trong Hiệp hội đã liên kết để hỗ trợ nhau trong sản xuất và kinh doanh. Các nghệ nhân, thợ giỏi được động viên khôi phục các mẫu hoa văn truyền thống, sáng tạo thêm các mẫu mới để đa dạng hóa sản phẩm. Không chỉ tổ chức tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, làng lụa Vạn Phúc còn đẩy mạnh quảng bá, gắn kết với du lịch, dịch vụ, tổ chức cho du khách tới tham quan, trải nghiệm quy trình làm ra sản phẩm để gia tăng giá trị kinh tế.
Nhận thức rõ rằng chuyển đổi số là xu thế tất yếu, các làng nghề trên địa bàn Thành phố chủ động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong sản xuất và đặc biệt là khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua mạng xã hội, xây dựng website, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử. Anh Vũ Văn Đình (ở thôn Thượng, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên) chia sẻ: "Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản phẩm làng nghề khó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và khó tới các tỉnh, thành phố như trước; việc vận chuyển nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm trong nước cũng gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, nhiều hộ gia đình trong làng nghề linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, sản phẩm của địa phương vẫn có khách mua hàng. Từ kết quả đó, các hộ sản xuất trong làng tiếp tục phát triển kênh tiêu thụ này ngày càng bài bản hơn".
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, chuyển đổi số đã được thực hiện nhưng vẫn đang ở bước sơ khai. Việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi hầu hết làng nghề thiếu vốn. Mặt khác, do đa số hộ sản xuất trong làng nghề là nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chưa cao, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế nên phần việc này chưa đạt hiệu quả cần thiết... Để hỗ trợ cho các làng nghề, huyện Phú Xuyên đã xây dựng sàn thương mại điện tử, qua đó quy tụ sản phẩm làng nghề tiêu biểu của huyện về một đầu mối, giúp người tiêu dùng truy cập sản phẩm thuận tiện hơn.
Về phía thành phố Hà Nội, nhận thức rõ giá trị của làng nghề và làng nghề truyền thống, năm 2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, trong đó khẳng định ưu tiên phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống. UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; đồng thời ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô.
Phát biểu tại Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam, diễn ra ở Hà Nội mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP của quốc gia tại Thủ đô gắn với du lịch văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa. Đồng thời, Hà Nội cũng phát triển 9 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại các huyện và thị xã.
Có thể khẳng định, Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế thủ công mỹ nghệ gắn bó với nghề, với làng nghề, qua đó lan tỏa nét đẹp, giá trị tích cực của làng nghề đến với cộng đồng, tất cả cùng chung sức bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống, đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng sống của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.