Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng nghề, làng du lịch

Thanh Hiền| 15/02/2011 07:59

Lồng chim làng Vác (Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đạt ba tiêu chuẩn: đẹp, bền, sang trọng,

Ai về làng Vác nhắn nhờ
Mua lồng Canh Hoạch, đồ thờ Võ Lăng…


Lồng chim làng Vác (Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đạt ba tiêu chuẩn: đẹp, bền, sang trọng, "hút hồn" người sành chơi bởi độ tinh xảo, sắc nét trong từng chi tiết, từ khâu làm nan, đến chạm trổ hoa văn, làm đế... Không chỉ chủ buôn tận Lạng Sơn, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh… tìm về đặt mua, lồng chim làng Vác còn xuất đi Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…

Tương truyền, tổ nghề làm lồng chim của làng là cụ Nguyễn Văn Tước, sống cách nay hơn 300 năm. Lồng chim làng Vác có tiếng từ trước năm 1945 khi tham gia hội chợ đấu xảo Hà Nội. Nối nghề truyền thống, cụ Ba Mi, cụ Đào Phai, cụ Lộng... tiếp tục giữ nghề cổ và là những nghệ nhân làm lồng chim nổi tiếng nhất làng.


Làm lồng chim tại Canh Hoạch, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai.


Đến làng Vác bây giờ chẳng mấy khi bắt gặp tiếng cưa xẻ, đục đẽo tre gỗ nữa, vì mỗi công đoạn đã được khoán đến phần nhỏ nhất. Đồ chạm bằng xương, gỗ hay tre của những chi tiết trang trí trên lồng như mặt hổ phù, cuốn thư, gối cầu… được đặt làm bên Thường Tín. Trúc nhập từ Cao Bằng chặt khúc, tước hết gai, cành, người làng chỉ chẻ ra, ngâm tẩm, uốn nắn làm nan. Làng Vác có hơn 100 hộ sống bằng nghề làm lồng chim nhưng mỗi nhà có một bí quyết riêng, chẳng ai giống ai, dù cho nhiều người học nghề, thậm chí học chung một thầy. Dù chỉ là chiếc lồng chim, nhưng những người nghệ nhân đã để cả tâm huyết vào đó qua quá trình chạm trổ, uốn nắn tinh tế để trở thành những tác phẩm nghệ thuật vượt lên trên giá trị sử dụng. Người chơi chim nhà nghề thường đến làng để tìm, đặt mua lồng và chỉ cần nói nuôi chim gì là họ có thể mua được cái lồng chim phù hợp. Ngoài chiếc lồng truyền thống, các nghệ nhân còn sáng tạo thêm nhiều kiểu dáng lồng phong phú như quả đào, quả cầu, lá vả... để nuôi chim gáy. Lồng quả chuông loại 3 vanh 60 nan và loại 4 vanh, 64 nan là lồng nuôi chim yến được nhiều người chơi chim ưa chuộng. "Thượng đế" đặt lồng khướu, họa mi, chào mào, chích chòe, sơn ca... kiểu gì nghệ nhân cũng sẵn sàng chiều. Dưới bàn tay nghệ nhân làng Vác, mỗi chiếc lồng đều có họa tiết chạm trổ tinh xảo, xứng đáng để nuôi những chú chim quý hoặc đơn giản chỉ để dùng treo trong nhà hay bày biện trong những không gian sang trọng.

Theo người làng Vác, làm lồng không khó ở công đoạn vót nan, mà khó ở tay nghề chạm đường viền cho các vanh lồng. Chạm họa tiết cách điệu của chữ Vạn, chữ Thọ hoặc chữ Nhật gấp khúc trên một mặt hẹp 0,5cm đòi hỏi tay nghề rất cao, chỉ chệch một đường dao là bao nhiêu công sức lại thành "công cốc". Với những lồng đặt đặc biệt, nghệ nhân sẽ phải chạm đủ tứ quý Long, Ly, Quy, Phượng... vào các đường vanh bao tròn quanh lồng, chạm hình rồng trên cầu chim đậu, chạm đốt tre trên móc treo...

Để làm được một chiếc lồng bền, chắc, người thợ phải chọn tre cật bánh tẻ, xong tre pha hoặc có thể vót thành nan thì ngâm nước vôi, sau một đến hai tháng vớt lên sấy, hoặc hun khói cho bóng và chống mối mọt. Nan phải làm từ những thanh tre đực, ngâm tẩm kỹ, chuốt đều tay, trăm nan như một, mới khiến lồng tròn đều, càng trải qua thời gian càng óng màu. Vanh lồng phải thanh tròn, quang lồng nhỏ cứng và cân đối. Móc lồng bằng đồng uốn, giũa sao cho thon thả, đầu móc phải vút đuôi lươn. Đáy lồng phải là loại gỗ chống mọt và nhẹ. Cầu cho chim đậu hai đầu bịt ngà hoặc bịt xương, bạc. Cóng cho chim ăn tùy theo màu sắc của chim mà chọn. Ví dụ, chơi yến bạch thì màu của cóng là tím hoặc thúy hồng (màu đỏ sẫm)... Có người cầu kỳ còn chạm trổ ở cửa lồng và đai đáy lồng, rồi không quên treo chiếc tua bằng tơ. Sự bền chắc của lồng Vác có thể mô tả đơn giản là lấy tấm ván đặt thật cân bằng lên trên chiếc lồng cỡ trung bình, sau đó một người đàn ông nhẹ nhàng ngồi khoanh chân lên đó mà lồng vẫn nguyên vẹn.

Ngày xưa, lứa các cụ Ba Mi, Đào Phai làm lồng xong còn phải dùng đòn xóc, gánh hàng chục cái, cuốc bộ từ làng Vác ra Hà Đông bán. Chẳng như bây giờ, ô tô vào tận cửa, người làng đóng lồng chuyển vào TP Hồ Chí Minh, qua Lạng Sơn, Thái Nguyên, tiền mặt nhận trước. Nhiều người làng còn vào Nam mở xưởng làm lồng, truyền nghề, làm lồng đẹp có tiếng nhưng vẫn không bằng những chiếc lồng làm từ làng Vác chuyển vào, vì cái "hồn" của chiếc lồng ở làng nghề chẳng lẫn đâu được.

Làng Vác đã đón rất nhiều lượt khách du lịch quốc tế từ Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đến thăm, đặt hàng. Du khách thích thú xem từng động tác chẻ tre, uốn vòng tròn khung lồng cho đến lắp ghép thanh tre, giang dài vào khung, ghép cửa, ghép chân vào lồng. Nhìn bàn tay nghệ nhân tỉa nét trên tre, cảm nhận vẻ đẹp của những chiếc nan đều tăm tắp, khó ai cưỡng được ý muốn mua một vài chiếc. Chỉ chơi không đã thích, chưa cần nghĩ tới việc tìm kiếm một chú chim có tiếng hót trong veo... Thương hiệu lồng chim Canh Hoạch nổi danh, làng nghề trở thành điểm du lịch văn hóa nổi tiếng trên đất Bắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề, làng du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.