(HNM) - Xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ) “nổi tiếng” bởi có hàng chục hộ dân làm nghề nhặt rác. Những năm trước, người dân đưa rác về làng rồi giặt, phơi rác khắp nẻo đường, lối đi, bờ ruộng, tràn cả trên quốc lộ 32 vừa mất cảnh quan, vừa ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về vệ sinh môi trường nên người dân đã bỏ nghề giặt rác, tìm việc làm mới. Xã Phụng Thượng cũng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới với kết cấu hạ tầng khang trang, đời sống người dân có nhiều thay đổi.
Xã Phụng Thượng khang trang sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thái Hiền |
Vài năm trước, nhiều người dân xã Phụng Thượng vẫn rời làng từ sáng, tỏa đi khắp bãi rác nhặt về các loại ni lông, bao tải tích lại, rồi mang ra mương thủy lợi giặt giũ, phơi khắp xóm thôn và quốc lộ. Cả xã có 13 cụm dân cư, riêng cụm dân cư số 8 có 200 hộ dân thì có 50 gia đình có người đi làm nghề nhặt rác và giặt rác. Mỗi ngày có hàng tấn rác bẩn được đưa về Phụng Thượng gây ô nhiễm môi trường. Năm 2012, Phụng Thượng từng là chủ đề nóng trên nhiều mặt báo: “Chuyện bi hài ở làng “giặt rác”, “Làng tái chế Phụng Thượng”, “Nghề “rước” rác về làng”, “Ô nhiễm làng rác”… Chủ tịch UBND xã Phụng Thượng, ông Hoàng Quang Giáp nhớ lại: Mặc dù việc mưu sinh từ nghề nhặt rác của bà con là lương thiện, chính đáng, nhưng thu nhập không cao lại phải đánh đổi môi trường quá lớn nên chính quyền và các đoàn thể trong xã quyết tâm vận động nhân dân chuyển nghề. Chính quyền xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường, nhưng cũng đồng thời tích cực tuyên truyền, mở lớp dạy nghề cho bà con chuyển đổi.
Tuy nhiên, bước đột phá thật sự ở xã Phụng Thượng được đánh dấu từ khi đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới. Cùng với phát triển kinh tế, xã quan tâm đến các tiêu chí về môi trường như: Thu gom rác thải, cải tạo ao hồ, chỉnh trang làng xóm theo hướng xanh, sạch, đẹp. Từ năm 2012, xã Phụng Thượng đã bắt tay vào cải tạo ao, hồ trên địa bàn. Hồ Nam (nằm ở Thôn Nam) rộng 3.000m2 được cải tạo đầu tiên. Chính quyền xã vận động nhân dân trao trả diện tích lấn chiếm để kè cứng, trồng cây xanh xung quanh và xây nhà nổi trên hồ để vừa làm nhà sinh hoạt cộng đồng vừa tạo cảnh quan. Kinh phí cải tạo hồ và xây dựng nhà văn hóa ước hơn 20 tỷ đồng, trong đó người dân tham gia góp nhiều ngày công lao động. Thấy Hồ Nam sạch đẹp, Thôn Đông cũng đã cải tạo Hồ Đông rộng 2.000m2; Thôn Tây cải tạo Ao Đền rộng 1.500m2, kinh phí cải tạo mỗi hồ, ao trên dưới 5 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, đường làng ngõ xóm cũng được xây dựng khang trang. Cây xanh hai bên đường được nhân dân trồng hưởng ứng phong trào: “Ngõ xóm văn minh, xanh sạch đẹp” do xã phát động. Xã lập kế hoạch toàn dân chung tay bảo đảm vệ sinh môi trường và vận động cứ 3 hộ dân mua chung thùng đựng rác đặt ở đầu ngõ và tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào mỗi thứ bảy hằng tuần. Rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển ngay trong ngày.
Đặc biệt, khi huyện Phúc Thọ có văn bản chỉ đạo: “Tăng cường vệ sinh môi trường ở khu dân cư và hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2015-2020”, tháng 9-2015, xã Phụng Thượng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời, thành lập ban chỉ đạo để triển khai cho bài bản. Công tác tuyên truyền tiếp tục được lồng ghép trong các hội nghị, trên loa truyền thanh xã. Các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên tiếp tục ra quân làm công tác vệ sinh môi trường… Đường làng, ngõ xóm luôn giữ sạch sẽ, không có điểm đổ rác thải sinh hoạt ở các ngõ xóm. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoàng Thị Thúy Nga cho biết: Trên các tuyến đường giao cho Hội Phụ nữ tự quản, về cơ bản người dân ý thức giữ vệ sinh cao nên Hội Phụ nữ không còn phải quét dọn hằng ngày. Điển hình như ở cụm dân cư số 2, một số gia đình xung quanh Ao Đền còn vớt rác, quét dọn ao sạch sẽ mỗi ngày.
Như vậy, xuất phát từ chủ trương đúng của huyện, khi các tiêu chí về môi trường được chú trọng và công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, nâng cao ý thức về vệ sinh môi trường nên người dân đã bỏ nghề giặt rác, tìm việc làm mới. Đây cũng là điều góp phần để xã Phụng Thượng đạt chuẩn nông thôn mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.