(HNMCT) - Những năm gần đây, số vụ tai nạn, số người thương vong do tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đã giảm đáng kể, văn hóa giao thông từng bước hình thành. Có được điều đó là do Thành phố đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả
Theo báo cáo kết quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội của Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố tổ chức 22 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông và văn hóa giao thông cho trên 6.500 người tham gia là cán bộ làm công tác mặt trận, cán bộ làm công tác tuyên truyền, bí thư chi bộ, tổ trưởng các tổ dân phố, khu dân cư, đoàn thanh niên, giáo viên, sinh viên các trường đại học và nhân dân thuộc các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, Thành phố đã triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều mô hình, hoạt động góp phần lan tỏa văn hóa giao thông, như “Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông”; “Phụ nữ không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang giao thông để buôn bán, họp chợ, phơi nông sản gây tai nạn và ách tắc giao thông”; “Giáo dục hành động thực hiện an toàn giao thông”; “Phụ nữ lên tiếng về uống có trách nhiệm, thực hiện an toàn giao thông vì cộng đồng hạnh phúc”... Những mô hình này đã được thực hiện nghiêm túc ở các tổ dân phố, phường, xã, huyện, quận, thị xã với nòng cốt là các hội viên phụ nữ, tạo nên bầu không khí thi đua sôi nổi, tích cực, có sức lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân.
Là một trong những huyện tích cực trong việc triển khai mô hình “Phụ nữ lên tiếng về uống có trách nhiệm, thực hiện an toàn giao thông vì cộng đồng hạnh phúc”, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình trên tất cả các xã trên địa bàn huyện. Thông qua những mô hình này, tiếng nói của hội viên phụ nữ đã góp phần vào sự thay đổi tích cực trong ý thức của người dân về việc không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Theo chị Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm, qua 4 năm xây dựng và duy trì hoạt động mô hình các câu lạc bộ, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều buổi truyền thông nhằm nâng cao kiến thức, trình độ văn hóa cũng như tuyên truyền về các văn bản pháp luật liên quan; tổ chức nhiều buổi giao lưu liên quan tới sáng kiến truyền thông về uống có trách nhiệm, đặc biệt là đã tổ chức Ngày hội An toàn giao thông cho phụ nữ và trẻ em. Không những vậy, hằng quý, các câu lạc bộ đã duy trì sinh hoạt đều đặn với các nội dung như: Tìm hiểu kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền, sáng tác thơ ca, hò vè có nội dung tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, xây dựng văn hóa ứng xử đúng khi tham gia giao thông.
Tận dụng sự phát triển của công nghệ, nhiều cấp hội phụ nữ sử dụng zalo để trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, như đã thấy ở Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm). Chị Lâm Thị Ngọc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ninh Hiệp cho biết: "Chúng tôi đã lập nhóm zalo để có thể thông tin đến các hội viên vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Đó có thể là thông tin về một vụ tai nạn giao thông trên địa bàn xã, cũng có thể là cập nhật thông tin về các bộ luật liên quan đến lĩnh vực giao thông hay có thể là những bài thơ, bài hò vè hay nội dung khác cần được tuyên truyền kịp thời... Chúng tôi xác định đây là công việc “mưa dầm thấm lâu”, vì thế cần nhất là sự kiên trì. Cũng vì kiên trì nên tính đến thời điểm hiện tại, người dân đã chấp hành nghiêm túc quy định về giao thông, làm theo các nội dung hướng dẫn được tuyên truyền. Theo tôi, việc tuyên truyền qua zalo mang lại hiệu quả khá cao, nhưng để đạt được hiệu quả lâu dài thì công tác tuyên truyền cần bảo đảm thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, có trách nhiệm” - chị Lâm Thị Ngọc nhấn mạnh.
Trước đó, vào cuối năm 2020, một số trường học trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện mô hình "Cổng trường an toàn", như có thể thấy ở Trường Tiểu học Dịch Vọng B, Trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), Trường Tiểu học Ngọc Khánh (quận Ba Ðình)... Qua thời gian triển khai thực hiện, các mô hình này đã cho thấy kết quả tích cực; tình trạng ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông trong khu vực đã giảm. Đặc biệt, ý thức người dân, nhất là của các phụ huynh đã được cải thiện, góp phần quan trọng vào việc xóa "điểm đen" về ùn tắc giao thông tại khu vực này.
Đổi mới, sáng tạo hơn nữa
Dù đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo, góp phần lan tỏa văn hóa giao thông nhưng do là địa bàn đông dân cư, tình trạng giao thông phức tạp, hằng năm lại phải đón lượng lớn dân cư ở các địa phương khác đến học tập, sinh sống nên Thành phố phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia giao thông một cách văn hóa. Trăn trở trước tình trạng giao thông hiện nay, chị Lại Hà Phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông khẳng định: “Là địa bàn có đông dân cư, lại có nhiều đường lớn đi qua, trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông đã triển khai nhiều mô hình do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phát động. Hiệu quả đã thấy rõ, tuy nhiên, phương pháp tuyên truyền cần được đổi mới, phải sáng tạo hơn nữa để tạo luồng sinh khí mới, động lực mới giúp người dân chấp hành quy định về giao thông một cách tự giác. Đặc biệt, chúng tôi luôn chú trọng tuyên truyền trong trường học. Các em học sinh hiếu động, hay đùa nghịch khi tham gia giao thông nên việc nắm rõ Luật Giao thông và tác hại của việc không tuân thủ quy định về an toàn giao thông là rất quan trọng. Hơn nữa, khi đã có nhận thức tốt thì các em có thể trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong mỗi gia đình, tổ dân phố” - chị Lại Hà Phương nhấn mạnh.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ khẳng định, văn hóa giao thông là cụm từ không mới và được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng, nó cho thấy trình độ văn hóa của người tham gia giao thông. “Tôi nhận thấy, dù đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo nhưng Thủ đô vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là khi áp lực dân số liên tục gia tăng. Dưới góc độ văn hóa dân gian, tôi thấy rằng, chúng ta nên mở nhiều cuộc thi văn nghệ dân gian về đề tài giao thông. Đó là đề tài rất phong phú, đa dạng, tác động đến chúng ta hàng ngày, hàng giờ, vậy tại sao không dùng dân ca để tuyên truyền cho người dân dễ hiểu, dễ thuộc, dễ thấm sâu” - nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ.
Có thể thấy, nhờ có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, nhiều mô hình sáng tạo đã được triển khai sâu rộng, góp phần hiệu quả trong việc xây dựng văn hóa giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.