Góc nhìn

Lan tỏa truyền thống tốt đẹp

Hà Trang 02/08/2023 - 06:35

Trong những năm qua, với tinh thần "người người làm nhân đạo, nhà nhà làm nhân đạo, ngành ngành làm nhân đạo", hoạt động nhân đạo nói chung, hoạt động nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiến hành nói riêng có sự phát triển sâu rộng, góp phần ổn định xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Chữ thập đỏ một số địa phương vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Năng lực tham mưu chính sách, vận động nguồn lực hoạt động nhân đạo của một số tổ chức và cán bộ hội còn hạn chế.

Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo và bố trí cán bộ làm công tác Hội Chữ thập đỏ. Chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ hội từ trung ương đến cơ sở chưa được quan tâm thỏa đáng theo đúng tinh thần Chỉ thị 43-CT/TƯ của Ban Bí thư. Công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và sự chồng chéo, trùng lặp trong việc quyên góp, hỗ trợ của nhiều tổ chức, hội khác dẫn đến tình trạng phân tán nguồn lực thực hiện hoạt động nhân đạo…

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, trong Kết luận số 44-KL/TƯ, ngày 14-11-2022, về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TƯ của Ban Bí thư khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới, Ban Bí thư đã yêu cầu cần phải phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, xác định công tác nhân đạo là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị.

Mới đây, ngày 26-7-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tiếp tục ký Quyết định 895/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 44-KL/TƯ, ngày 14-11-2022, của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TƯ ngày 8-6-2010 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới.

Một trong các nội dung của Kế hoạch là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác nhân đạo và vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới. Xác định công tác nhân đạo là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận, là nhiệm vụ thường xuyên, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền phát huy, lan tỏa truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc. Nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt trong hoạt động nhân đạo gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”; đồng thời, quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội.

Để thực hiện tốt Kế hoạch của Ban Bí thư, thời gian tới, các cấp hội cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động với tinh thần chủ động, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ an sinh xã hội và thực tiễn địa phương, đơn vị; hướng về cơ sở, lấy con người làm trung tâm, lan tỏa sâu rộng truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc, giá trị nhân văn của công tác Chữ thập đỏ. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả công tác chữ thập đỏ, hoạt động nhân đạo với cấp ủy, chính quyền cùng cấp.

Hội Chữ thập đỏ các cấp cần phát huy vai trò nòng cốt, chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình hoạt động, hướng đến các đối tượng khó khăn, yếu thế. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thu hút đông đảo các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân hưởng ứng, tham gia hoạt động Chữ thập đỏ, phong trào nhân đạo, từ thiện… để Hội Chữ thập đỏ thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa truyền thống tốt đẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.