(HNM) - Dự án “Tủ sách biển đảo quê hương” với những cuốn sách mở đầu “Nơi đầu sóng”, “Mắt trùng khơi” tới tay bạn đọc và lan tỏa tình yêu biển, đảo theo một cách rất riêng. Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai - đồng tác giả của hai cuốn sách trên, chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới về dự án và chuỗi chương trình hoạt động hướng về biển, đảo, động viên những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ thông qua sách, ảnh nghệ thuật.
- Chỉ 3 tháng sau khi cuốn “Nơi đầu sóng” ra mắt hồi tháng 9 vừa qua, nhà thơ, nhà báo Lữ Mai cùng kỹ sư Trần Thành lại sắp đem đến cuốn “Mắt trùng khơi” về Trường Sa qua những trang viết và hình ảnh. Chị có thể chia sẻ về 2 cuốn sách này?
- Hai cuốn sách là những tản văn, ghi chép của tôi và ảnh của kỹ sư Trần Thành, có độ dày trên dưới 150 trang, về biển, đảo với thiên nhiên, con người, đặc biệt là hình tượng người chiến sĩ hải quân. Đó như món quà nhỏ thể hiện tình cảm, sự biết ơn của những người từng ra biển, đảo như chúng tôi gửi tới các chiến sĩ và thân nhân của họ. Nếu “Nơi đầu sóng” như một cánh cửa mở ra biển khơi bằng hình ảnh lãng mạn, tươi trẻ của thiên nhiên, sóng gió, mây trời, tàu trên biển, cây lá trên đảo, bộ đội Trường Sa… thì “Mắt trùng khơi” là một nhịp khác, đi sâu vào từng chân dung, số phận con người nơi biển, đảo và hậu phương. Đó là những đôi mắt rưng rưng tiễn nhau nơi cầu cảng; ánh mắt bỡ ngỡ của những chiến sĩ mới sắp đặt chân lên đảo; ánh mắt bịn rịn, bần thần của người đã hoàn thành nhiệm vụ rời đảo về đất liền; những cặp mắt lại hòa trong cặp mắt khi tàu chuẩn bị cập mạn về tới đất liền...
- Xen giữa thời gian ra mắt 2 cuốn sách, nhóm tác giả còn kết hợp nhiều hoạt động khác, như: Triển lãm ảnh, giao lưu, tọa đàm, hoạt động vì biển, đảo… thành một chuỗi chương trình trong suốt một năm. Tại sao nhóm tác giả lại có ý tưởng này?
- Bên cạnh thực hiện sách, chúng tôi nhận thấy, việc tăng cường khả năng lan tỏa tới cộng đồng để chung tay động viên những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ rất thiết thực. Vì thế, chúng tôi phát triển thành chuỗi hoạt động chung để mọi người cùng tương tác. Đã có nhiều đơn vị, cá nhân đồng hành cùng chúng tôi tổ chức hàng chục triển lãm lưu động, giao lưu tại các trường học trên địa bàn Hà Nội. Một phần kinh phí phát hành sách cũng được chúng tôi đóng góp cho biển, đảo bằng những món quà thiết thực, như tặng đồ chơi, đồ dùng học tập cho con em cán bộ, chiến sĩ hải quân; tặng cờ Tổ quốc, sách cho chiến sĩ Trường Sa…
- Có những kỷ niệm nào ấn tượng với chị khi thực hiện chuỗi hoạt động này?
- Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã nhận được những thông điệp, cảm hứng tốt đẹp. Chẳng hạn, cậu bé Kiều Chấn Long, sau khi xem triển lãm, đã tự tay gấp hạc giấy làm quà, mua hạt giống gửi ra đảo xa tặng các chú bộ đội; học sinh Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh viết 1.000 lời chúc lên 1.000 chiếc đèn ông sao tặng các bạn nhỏ là con bộ đội hải quân dịp Tết Trung thu… Tôi nhớ nhất là hình ảnh chàng trai Hà Nội tên Nguyễn Trung Hiếu, từng là bộ đội Trường Sa đã hoàn thành nhiệm vụ, hiện là đầu bếp. Mỗi lần chúng tôi tổ chức triển lãm, anh đều gác lại công việc, khoác lên mình bộ quân phục cũ và đến các trường học dự lễ chào cờ, ân cần hướng dẫn các em nhỏ xem ảnh, tìm hiểu về cuộc sống khơi xa...
- Bên cạnh Lữ Mai và Trần Thành, còn những tác giả nào đã và đang có hoạt động tích cực vì biển, đảo?
- Những năm gần đây, tôi biết một số đồng nghiệp như nhà báo Nguyễn Mỹ Trà, nhà báo Cẩm Lai… đã có những cuốn sách ảnh, những trang viết xúc động về biển, đảo, được độc giả đón nhận. Bên cạnh đó, họ còn làm lịch về Trường Sa, gây quỹ ủng hộ sách, lịch cho đồng bào, trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và giúp đỡ các gia đình chiến sĩ đóng quân ở Trường Sa… Ngoài ra, có rất nhiều tác giả thầm lặng đã và đang đóng góp cho biển, đảo bằng những sáng tác, hành động tâm huyết.
- Từ hoạt động của bản thân, chị cảm nhận thế nào về sức lan tỏa tình yêu biển, đảo thông qua văn học, nghệ thuật?
- Tôi nghĩ, văn học, nghệ thuật là một kênh truyền tải đặc biệt, dễ lay động lòng người, dễ tiếp cận nhiều đối tượng. Qua hoạt động ở lĩnh vực này, tôi nhận thấy, có không ít tác giả, tác phẩm tâm huyết thuộc nhiều thế hệ đã góp phần tuyên truyền tình yêu, trách nhiệm với biển, đảo Tổ quốc. Tôi mong rằng, những người viết có thể tập hợp lại, chung tay thực hiện những dự án lớn với sức lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ hơn và đặc biệt những cây bút trẻ cần được quan tâm hơn nữa về điều kiện tiếp cận đề tài, khuynh hướng sáng tác, môi trường thể hiện… để hướng đến những vấn đề lớn của đất nước, thời đại. Đi đến các đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa, tôi thấy đảo nào cũng có tủ sách đủ các thể loại, song, lượng sách đề tài biển, đảo với hình ảnh chiến sĩ hôm nay vẫn còn thưa vắng. Thực trạng ấy khiến chúng ta đặt ra nhiều câu hỏi không chỉ về lượng tác giả, tác phẩm viết về biển, đảo mà còn là nhịp cầu nối tác phẩm đã xuất bản ra với chiến sĩ ở nơi xa.
- Đó có phải lý do mà Lữ Mai và Trần Thành phát triển dự án “Tủ sách biển đảo quê hương” để tương tác, kết nối những tấm lòng hướng về biển, đảo?
- Đúng vậy! “Tủ sách biển đảo quê hương” là dự án do Nhà Xuất bản Văn học ký kết cùng chúng tôi, với đối tượng hợp tác dần mở rộng ở các lĩnh vực thơ, văn xuôi, báo chí, ảnh, lịch… nhằm làm giàu thêm những tác phẩm ca ngợi các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên biển, đảo, qua đó khơi gợi tình yêu đất nước, tình yêu biển, đảo của cộng đồng. Sau “Mắt trùng khơi”, chúng tôi mong có một tập thơ trẻ đương đại, một tập du ký của các nhà báo về chủ đề biển, đảo nên sẽ sớm kêu gọi đóng góp bản thảo từ những người viết.
- Trân trọng cảm ơn chị!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.