Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa tinh thần tâm huyết, sáng tạo

Thống Nhất| 23/03/2023 06:27

(HNM) - Từ học kỳ II năm học 2022-2023, Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” chính thức được khởi động trong ngành Giáo dục Hà Nội. Bước sang mùa thứ 7, giải thưởng ngày càng khẳng định ý nghĩa và sức lan tỏa đối với đội ngũ nhà giáo của Thủ đô.

Các cô giáo nhận Giải thưởng “Nhà giáo Ba Đình tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 7. Ảnh: Minh Khang

Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phát động lần đầu tiên vào năm học 2016-2017 nhằm động viên, khích lệ đội ngũ nhà giáo tự học tập, rèn luyện và có những sáng kiến, giải pháp mới để giải quyết các khó khăn trong dạy học, giáo dục học sinh. Đây là giải pháp được ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô kiên trì triển khai nhằm tạo hiệu ứng mạnh mẽ và sâu rộng tới gần 150.000 nhà giáo trong việc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp ở hơn 2.800 trường học. Tinh thần xuyên suốt của giải thưởng là khơi dậy ý thức tự giác, tinh thần tự học tập, trau dồi của mỗi nhà giáo trong việc tự phát hiện và tìm ra giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc, ứng dụng tiến bộ mới trong giảng dạy.

Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà đánh giá, qua 6 năm triển khai, đã có hàng nghìn sáng kiến, giải pháp được ứng dụng và lan tỏa, góp phần giữ vững thành tích của toàn ngành khi duy trì trong nhóm dẫn đầu cả nước về giáo dục trong nhiều năm qua, đồng thời làm đẹp thêm hình ảnh nhà giáo Thủ đô. Mỗi năm, có 40 nhà giáo tiêu biểu nhất được trao thưởng cấp thành phố, song hiệu ứng của giải thưởng ngày càng tích cực khi từng nhà giáo đều không ngừng tìm kiếm, sáng tạo thêm giải pháp nâng cao chất lượng dạy học.

Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” mùa thứ 7 đang nhận được sự hưởng ứng tích cực của các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh, nội dung này đã được triển khai ở từng trường học của quận. Sau đó, mỗi nhà trường sẽ chọn cử 1 nhà giáo có sáng kiến tiêu biểu nhất, có tính ứng dụng cao nhất để tham gia xét thưởng cấp quận. Năm nay, bên cạnh các tiêu chuẩn chung, giải thưởng quan tâm đến yếu tố khơi nguồn, truyền cảm hứng của nhà giáo cho đồng nghiệp và là tấm gương cho học sinh noi theo.

Ngày 10-3, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đã tổ chức vòng chung khảo xét duyệt Giải thưởng “Nhà giáo Ba Đình tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 7. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, qua vòng sơ khảo, Ban Tổ chức đã chọn 8 gương mặt tiêu biểu vào vòng chung khảo. Hai tiêu chuẩn cơ bản để xét tặng giải thưởng là tâm huyết với nghề và đổi mới sáng tạo.

Đoạt giải Nhì ở vòng chung khảo của quận Ba Đình, cô giáo Đỗ Thanh Hà (Trường Tiểu học Phan Chu Trinh) chia sẻ kinh nghiệm cũng như các giải pháp đã vận dụng để hỗ trợ các học sinh có khó khăn trong lớp. Cô giáo Đỗ Thanh Hà đã sáng tạo nhiều hình thức dạy học như sử dụng các bài hát, bộ phim mà thiếu nhi yêu thích; xây dựng kho ngữ liệu và trò chơi ô chữ để dạy học môn tự nhiên và xã hội. Cô giáo Đỗ Thanh Hà cũng luôn kiên trì lắng nghe, khích lệ để học trò mạnh dạn phát biểu, chia sẻ... Đây chỉ là một trong số rất nhiều gương mặt nhà giáo Thủ đô luôn nỗ lực, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không ngại vất vả, khó khăn. Đồng hành cùng Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” mùa thứ 7 còn có phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm” đang được nhiều trường học hưởng ứng.

Để bảo đảm chất lượng và tạo sự lan tỏa của giải thưởng, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà cho biết, hai năm nay, hội đồng xét duyệt giải thưởng cấp thành phố đều tổ chức vòng chung khảo theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Toàn bộ phần thuyết trình của từng nhà giáo được truyền đến các điểm cầu của các phòng giáo dục và đào tạo, trường học trên địa bàn thành phố để có thật nhiều nhà giáo cùng được nghe, được chia sẻ. Từ đây, các nhà giáo có thể vận dụng những sáng kiến hay, giải pháp phù hợp trong giải quyết những vấn đề đang còn vướng ở đơn vị mình.

Năm nay, 30 phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã đều tổ chức xét duyệt ở cấp mình. Cách thức này giúp các nhà giáo có cơ hội báo cáo trước hội đồng về những ý tưởng mới một cách trọn vẹn hơn và nhận được những góp ý để hoàn thiện giải pháp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa tinh thần tâm huyết, sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.