(HNM) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa để lại di sản quý báu về đạo đức và tư tưởng về đạo đức. Những điều Người nhắn gửi toàn Đảng, toàn dân ta là phải xây dựng đạo đức con người Việt Nam ngày càng tiến bộ sao cho xứng là cái gốc, là nền tảng xã hội. Trong đó, người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải làm gương cho quần chúng noi theo.
Thực hiện Di chúc của Người, từ nhiều năm nay, Đảng ta đã triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mặc dù kết quả rất tích cực, nhưng so với yêu cầu đặt ra, vẫn cần cố gắng nhiều hơn.
Mỗi đảng viên là một tấm gương
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức sáng ngời. Từ trong công việc đến sinh hoạt hằng ngày, ở Bác, luôn luôn hiện lên phẩm chất của một người cộng sản chân chính, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Cuộc đời của Người là cuốn biên niên sử về lẽ sống hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự đồng bào. Lúc nào, Người cũng chỉ tâm niệm làm sao cho nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Tấm gương đạo đức, con người của Bác đã trở thành niềm tự hào không chỉ riêng dân tộc Việt Nam. Giáo sư Paul Mus - Đại diện của Cao ủy Pháp ở Đông Dương, Trưởng đoàn đàm phán của Pháp với Chính phủ Việt Nam ở Thái Nguyên (tháng 5-1947) đã từng viết: “Cụ Hồ là một trong những người đã đem lại sự kiêu hãnh và sức mạnh cho lục địa Châu Á”.
Suốt đời nêu cao tấm gương đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại di sản quý báu là tư tưởng về đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/ Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/ Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/ Thiếu một mùa thì không thành trời/ Thiếu một phương thì không thành đất/ Thiếu một đức thì không thành người”. Bác đề cao lương tâm của mỗi con người, nhất là những cán bộ có chức có quyền, bởi: “Trước nhất là cán bộ cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ có quyền mà thiếu lương tâm thì có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút lót, có dịp dĩ công vi tư”. Khẳng định ý nghĩa sống còn của đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Trong Di chúc để lại cho Đảng, cho dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Di nguyện của Người gửi gắm cho Đảng ta, dân tộc ta là phải xây dựng một xã hội đạo đức với những con người đạo đức, bắt đầu từ trong Đảng rồi tỏa lan ra toàn xã hội.
Nhiệm vụ lớn lao phía trước
Ngày 9-9-1969, trong điếu văn vĩnh biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Lê Duẩn đọc, Ban Chấp hành Trung ương thay mặt toàn Đảng, toàn dân đã thề: “Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch. Noi gương Người, toàn thể nhân dân ta, thanh niên ta nguyện ra sức trau dồi mình thành những con người mới, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng”. Thực hiện lời thề này, suốt 45 năm qua, Đảng thường xuyên chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp nâng cao đạo đức cách mạng, xây dựng đạo đức xã hội, giáo dục đạo đức con người. Nhờ coi trọng đạo đức, Đảng đã giữ vững được đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, chèo lái con thuyền dân tộc đi đến hòa bình, độc lập, thống nhất; đưa đất nước bước vào thời kỳ đổi mới.
Trước đòi hỏi của thực tiễn, ngày 7-11-2006, Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Chỉ thị số 06-CT/TƯ về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Mục tiêu của cuộc vận động là: “Làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh...”. Tiếp nối Chỉ thị 06, với mục đích đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ cuộc vận động còn có tính chất giới hạn thành việc làm thường xuyên, hằng ngày trong toàn Đảng, toàn dân, ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TƯ về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chỉ thị nêu rõ yêu cầu: “Đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người, nhất là vai trò gương mẫu của cán bộ chủ chốt các cấp, của người đứng đầu, của cấp trên...”.
Hơn bốn năm thực hiện Chỉ thị 06, đặc biệt là ba năm thực hiện Chỉ thị 03, ánh sáng tư tưởng đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lan tỏa, tác động mọi mặt đời sống. Đúng như Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhận định: “Kết quả thực hiện Chỉ thị 03 được thể hiện cụ thể bằng những chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng của nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị; tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành; đổi mới lề lối, tác phong làm việc...”. Tại Hà Nội, thực hiện Chỉ thị 03, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã đổi mới tác phong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành; lựa chọn và tập trung giải quyết thành công nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được Trung ương giao phó. Chỉ hơn ba năm đi vào đời sống, Chỉ thị 03 đã góp phần làm nảy nở hàng nghìn tấm gương học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cùng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, thực hiện Chỉ thị 03 đã trở thành sinh hoạt chính trị thường xuyên, ngày càng tạo hiệu ứng tích cực trong đời sống cả nước.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện Chỉ thị 03 vẫn còn nhiều hạn chế, có tình trạng thực hiện chiếu lệ, hình thức, thiếu kiểm tra, giám sát... Đạo đức trong Đảng vẫn đáng lo, bởi: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...” được chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4. Mới đây, trong bài viết nhân dịp Quốc khánh 2-9, khi đề cập đến những khó khăn, thử thách đất nước đang phải đối diện trên con đường thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định: “Đạo đức xã hội bị xói mòn nghiêm trọng”... Có thể nói, di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đạo đức trong Đảng, trong dân vẫn còn là nhiệm vụ lớn lao, cấp bách đang đặt ra phía trước đối với toàn Đảng, toàn dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.