(HNM) - Không phải ngẫu nhiên mà trong hai tháng gần đây, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương liên tục đón tiếp các đoàn đại diện giới DN Nhật Bản tới Việt Nam. Mục tiêu của các cuộc gặp gỡ này là tìm cơ hội đầu tư dự án mới của Nhật Bản tại Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, sắp có làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản "đổ bộ" vào Việt Nam.
Sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô tại Công ty TNHH Denso Việt Nam (thuộc Tập đoàn Denso của Nhật Bản). Ảnh: Yến Ngọc |
Sôi động hoạt động xúc tiến đầu tư
Những động thái trên là kết quả quá trình triển khai "Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản về cải thiện môi trường đầu tư và phối hợp thúc đẩy đầu tư nước ngoài (ĐTNN)", trong đó chú trọng gọi dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình hình đang xuất hiện những yếu tố mới, đồng thời đặt ra yêu cầu phải tăng tốc đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam với số lượng dự án lớn hơn, tốc độ nhanh hơn trên phạm vi rộng. Trong các cuộc tiếp xúc với cơ quan chức năng, đại diện DN Nhật Bản thể hiện rõ sự quan tâm đến khả năng triển khai dự án ở Việt Nam, đặt nhiều câu hỏi tập trung vào một số vấn đề đang tồn tại, có thể cản trở hoạt động của dự án, như chất lượng nguồn nhân lực; sự yếu kém hoặc thiếu đồng bộ của hệ thống hạ tầng; tính minh bạch và sự bền vững trong các quy định về pháp lý; các ưu đãi với nhà đầu tư…
Đến nay, công tác xúc tiến đầu tư của Nhật Bản không còn dừng lại ở cấp độ quốc gia, mà đã "thấm" sâu xuống các địa phương, vùng kinh tế khác nhau ở Nhật Bản. Cụ thể, mới đây đoàn DN vùng Kansai đã đến tìm hiểu cơ hội, khả năng đầu tư ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh ý định đầu tư vào những lĩnh vực mà họ có thế mạnh, gồm công nghiệp sản xuất linh kiện-lắp ráp ô tô, chế tạo cơ khí, hóa chất, công nghiệp phụ trợ… Giữa tháng 9-2012, đoàn DN tỉnh Aichi cũng đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cùng một số đối tác, trong đó nhấn mạnh sự sẵn sàng nghiên cứu, triển khai các dự án đầu tư trực tiếp trong thời gian tới. Ông Hiroshi Hidaka, Giám đốc Ban Đầu tư và Thương mại thuộc Phòng Công nghiệp và Lao động tỉnh Aichi cho biết, các DN ở đây rất quan tâm đến Việt Nam, đã đầu tư tại Việt Nam từ rất sớm. Cho đến nay đã có 96 DN của Aichi có dự án kinh doanh tại Việt Nam và đều đạt kết quả tốt trong quá trình hoạt động.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản phối hợp với Bộ KH-ĐT vừa tổ chức hội thảo "Đầu tư Việt Nam" tại Hà Nội, nhằm khẳng định nhu cầu dịch chuyển dây chuyền sản xuất của các DN nhỏ và vừa Nhật Bản theo chiến lược tái cơ cấu địa bàn sản xuất theo khu vực địa lý phù hợp hơn. Theo đó, đa số DN Nhật Bản muốn triển khai dự án ở Việt Nam, tận dụng sự ổn định chính trị và thị trường lớn, sự sẵn sàng về cung nhân lực trên phạm vi toàn quốc. Thời gian tới, DN Nhật Bản sẽ đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ, mở rộng hợp tác với DN bản địa và tham gia một số dự án xây dựng hạ tầng giao thông. DN Nhật Bản đánh giá cao vị trí địa lý đắc địa của Việt Nam-xứng đáng là địa bàn trung chuyển hàng hóa đồng thời hỗ trợ hoạt động phân phối hai chiều giữa khu vực ASEAN với Trung Quốc.
Chuẩn bị điều kiện để tiếp nhận đầu tư
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu cho biết, nhằm đẩy mạnh thu hút ĐTNN, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc tạo dựng khung khổ pháp lý thuận lợi và ngày càng đồng bộ để hỗ trợ nhà đầu tư. Đặc biệt, Việt Nam mong muốn nhà đầu tư Nhật Bản tập trung đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) dành riêng cho DN Nhật Bản để phát huy thế mạnh tổng hợp, có điều kiện hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với nhau trong chuỗi sản xuất mang tính liên kết, hiện đại. Việt Nam cũng mời gọi DN Nhật Bản bỏ vốn xây dựng những KCN theo mô hình này, kết hợp triển khai một số loại hình cơ sở đào tạo nghề tại chỗ nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực. Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát tình hình, kiểm soát thông tin để nhận diện những rào cản, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Trong đó, chính quyền tỉnh, thành phố cần đáp ứng tốt nhu cầu về quy hoạch, bàn giao mặt bằng sản xuất "sạch", hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và xã hội… Cũng cần lưu ý một đặc điểm là DN Nhật Bản thường nghiên cứu phương án kinh doanh rất kỹ và chỉ đưa ra quyết định khi đã chắc chắn về mọi vấn đề liên quan. Do đó, mỗi địa phương cần có kế hoạch, lộ trình kêu gọi, hỗ trợ nhà đầu tư linh hoạt hơn.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ chủ động ban hành một số chính sách mới, phù hợp để hỗ trợ DN nhỏ và vừa Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam theo hướng đột phá, hấp dẫn hơn. Một số yêu cầu của nhà đầu tư sẽ được giải quyết, như hỗ trợ về thuế, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực… Trong năm 2013, Việt Nam sẽ sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, các luật chuyên ngành, cùng các sắc thuế… nhằm đồng bộ hóa cơ sở pháp lý, đáp ứng tiêu chí minh bạch, dễ thực hiện, phù hợp thông lệ quốc tế. Một khi các quy định pháp lý dễ chấp nhận sẽ tạo xung lực, niềm tin để các nhà ĐTNN an tâm bỏ vốn làm ăn lâu dài. Đó chính là cách để đón làn sóng đầu tư từ Nhật Bản nói riêng. Mục tiêu cao nhất không chỉ là thu hút vốn ĐTNN đăng ký thuần túy, mà là làm sao khai thác tốt, giải ngân nhanh, nâng cao hiệu quả từng đồng vốn, tận dụng khả năng công nghệ hiện đại do DN ĐTNN mang vào Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.