(HNM) - Hàng nghìn người dân Hungary tiếp tục đổ xuống các đường phố ở thủ đô Budapest biểu tình phản đối tình trạng tham nhũng, thiếu minh bạch trong chính phủ và yêu cầu Thủ tướng Viktor Orban từ chức.
Trước đó, hàng trăm nghìn người biểu tình cũng đã giơ cao biểu ngữ phản đối kế hoạch đánh thuế internet của Chính phủ Hungary. Căng thẳng tiếp tục leo thang khi ông V.Orban từ chối sa thải bà Ildiko Vida, người đứng đầu cơ quan thuế nhà nước, vì cáo buộc tham nhũng.
Hàng nghìn người dân Hungary biểu tình đòi Thủ tướng Viktor Orban từ chức. |
Đây là làn sóng biểu tình lớn nhất tại Hungary chỉ trong vòng 30 ngày qua và kể từ sau khi chính phủ theo đường lối trung hữu lên nắm quyền tại nước này năm 2010 với những chính sách cải cách trên nhiều lĩnh vực. Chính phủ của Thủ tướng V.Orban đã áp đặt nhiều sắc thuế đặc biệt trong các ngành ngân hàng, bán lẻ, năng lượng và viễn thông, nhằm kiềm chế thâm hụt ngân sách nhưng lại gây tổn hại cho một số bộ phận trong nền kinh tế và khiến giới đầu tư quốc tế e ngại. Các chính sách này cũng khiến chính phủ bị hứng chịu cáo buộc thực thi "chủ nghĩa độc tài", cho dù mới đầu năm nay họ đã lần thứ hai thắng cử với cách biệt lớn. Việc thu thuế internet được Chính phủ Hungary đánh giá là cần thiết để tăng ngân sách cho tài khóa 2015, trong bối cảnh nước này trở thành một trong những quốc gia mắc nợ nhiều nhất trong Liên minh Châu Âu (EU). Tuy nhiên, những người biểu tình cho rằng, đây là ý tưởng "lạc hậu" khi thế giới đang tạo điều kiện cho người dân tiếp cận internet dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, lại có những ý kiến cho rằng việc đánh thuế internet có lẽ chỉ là cái cớ để phe đối lập tại Hungary phát động các cuộc biểu tình quy mô lớn, có lúc lên đến 100.000 người. Thực tế, yêu sách của phe biểu tình đã có sự thay đổi nhanh chóng: Từ việc đòi bãi bỏ sắc thuế này họ chuyển sang yêu cầu Chính phủ Hungary "tham nhũng", "độc tài" phải từ chức. Cũng giống như ở Ukraine, các cuộc tuần hành tập trung chủ yếu tại bên ngoài tòa nhà chính phủ. Ngoài gạch đá, trên tay người biểu tình là máy tính xách tay, điện thoại di động - những thiết bị truy cập internet phổ biến nhất. Vì vậy, đã có những so sánh về các sự kiện đang diễn ra tại Hungary với tình hình Ukraine. Những cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân và Chính phủ Hungary đang nhìn theo hai hướng khác nhau. Chính phủ của đảng Fidesz có xu hướng ngả về phía Đông trong khi đa số dân chúng vẫn có thiện cảm với phương Tây và muốn Hungary đi theo mô hình xã hội phương Tây.
Trên thực tế, quan điểm độc lập về đối ngoại (kể cả trong quan hệ với Nga) của ông V.Orban từ lâu đã làm Mỹ và Châu Âu "không hài lòng". Với nhiều quyết định như cấm hôn nhân đồng tính, hạn chế hoạt động của các công ty nước ngoài tại Hungary, tìm cách củng cố quyền lực và nhất là phản đối các lệnh cấm vận chống Nga, ông V.Orban bị phương Tây xem là "kẻ ngáng đường dân chủ". Bản thân vị thủ tướng của Hungary cũng đã công khai bày tỏ mong muốn xây dựng một "nhà nước không hào nhoáng", có tự do nhưng đặt giá trị dân tộc lên trên hệ tư tưởng dân chủ kiểu phương Tây. Giới tư bản phương Tây lại thêm một phen "nóng mặt" trước quyết định của Budapest ngày 4-11 vừa qua, khi Quốc hội nước này thông qua dự luật cho phép dự án đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Nam" của Nga đi qua lãnh thổ Hungary mà không đếm xỉa gì đến quan điểm của Ủy ban Châu Âu. Với bước đi này, Hungary có trong tay cơ sở pháp lý để không bắt buộc phải tuân thủ các quy định trong thỏa thuận nội khối EU có tên gọi "Gói năng lượng thứ ba", có hiệu lực từ tháng 9-2009. Nhìn lại mối quan hệ "cơm không lành, canh chẳng ngọt" giữa chính quyền của Thủ tướng V.Orban với Mỹ và EU để có thể lý giải vì sao trong cuộc tuần hành phản đối quan chức Chính phủ Hungary tham nhũng song những người biểu tình lại mang theo cả cờ của EU để bày tỏ phản đối việc ông V.Orban lâu nay thường có những phát biểu "bài" liên minh này.
Rõ ràng, nhiệm kỳ thứ hai của Thủ tướng V.Orban đang gặp nhiều sóng gió từ chính tình hình nội tại của Hungary cũng như chính sách đối ngoại của người đứng đầu chính phủ. Những cuộc biểu tình trên đang tạo sức ép lớn đối với Budapest, chưa kể trong nội bộ đảng cầm quyền không phải không có những ý kiến chia rẽ. Điều này đồng nghĩa với việc quyền lực và uy tín của Thủ tướng V.Orban đang phải đối mặt với những thách thức không hề dễ dàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.