(HNMO) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu tháng 6-2021 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận chủng cúm gia cầm A/H5N8 xuất hiện lần đầu tiên tại 3 tỉnh: Hòa Bình, Cao Bằng và Quảng Ninh.
Cụ thể, tại Hòa Bình có 1 ổ dịch tại hộ chăn nuôi thuộc xã Hữu Lợi (huyện Yên Thủy); tại Quảng Ninh có 1 ổ dịch tại hộ chăn nuôi thuộc xã Vũ Oai (thành phố Hạ Long); tại Cao Bằng có 1 ổ dịch tại hộ chăn nuôi thuộc phường Ngọc Xuân (thành phố Cao Bằng).
Nguyên nhân cúm gia cầm A/H5N8 lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam là do đường biên giới dài, các hoạt động giao lưu thương mại giữa Việt Nam và các nước diễn ra rất nhộn nhịp. Đặc biệt, chim hoang dã có thể mang vi rút cúm A/H5N8 xâm nhập vào Việt Nam.
Hiện nay, các địa phương cũng đã tổ chức tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch, sử dụng các loại vắc xin cúm gia cầm đang được phép lưu hành và có hiệu quả bảo hộ đối với chủng vi rút cúm gia cầm A/H5N6. Theo đánh giá của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), chủng cúm gia cầm A/H5N6 có cùng phân nhánh với cúm A/H5N8.
Để ngăn chặn sự bùng phát của dịch cúm A/H5N8 ra các tỉnh, thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các tỉnh, thành phố rà soát, tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ hơn 80% tổng đàn có nguy cơ. Cùng với đó, hướng dẫn chủ cơ sở chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp sản xuất an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng chuồng nuôi bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt các loại mầm bệnh...
Các tỉnh, thành phố cũng xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát chủ động; lấy mẫu của gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh tại địa bàn có nguy cơ cao, nhất là các địa phương giáp biên giới, địa điểm buôn bán tập kết, cơ sở giết mổ, tiêu hủy gia cầm... Trên cơ sở mẫu xét nghiệm, kịp thời cảnh báo, tổ chức xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với vi rút cúm gia cầm, đặc biệt đối với các chủng A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.