(HNM) - Lâu nay, không chỉ khách hàng từ các tỉnh phía Nam mà ngay cả khách hàng hiện đang sinh sống ở các tỉnh phía Bắc cũng thường phàn nàn về chất lượng dịch vụ của nhiều cửa hàng ăn uống, sửa chữa ô tô, cà phê... ở phía Bắc. Những than phiền ấy là có cơ sở.
Tại "Hội nghị Tập huấn chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012-2015" do Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính phối hợp tổ chức mới đây, lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề công bố: Cả nước hiện có 49,5 triệu lao động nhưng chỉ có 7,2 triệu người đã qua đào tạo, chiếm 14,6% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên. Trong số đông lao động không qua đào tạo, có rất nhiều lao động làm công việc phục vụ tại các nhà hàng, quán giải khát, dịch vụ sửa chữa xe máy và đặc biệt là giúp việc gia đình. Không qua đào tạo nghề nghĩa là họ không có các kỹ năng làm việc, đồng thời cũng không được trang bị kiến thức về cung cách ứng xử khi giao tiếp.
Nhiều chủ sử dụng lao động suy nghĩ đơn giản: Nhân viên bán hàng không cần bằng cấp nên họ cũng không quan tâm đến người xin việc có được đào tạo hay không. Còn với người lao động, họ nghĩ nghề bưng bê có gì đâu mà phải học và kết quả là khách hàng phàn nàn. Chính vì không được đào tạo nên thái độ phục vụ không cao. Một nhân viên chạy bàn ở quán cà phê đâu chỉ có mỗi việc mang đúng thứ khách hàng gọi, đặt trước mặt khách là xong, họ phải biết mang cho ai trước, ai sau, phải bưng bê thế nào để không đổ, không rớt vào quần áo khách và làm thế nào để khi đặt cốc nước không gây khó chịu khi khách đang nói chuyện. Rồi còn phải biết cách di chuyển vì dù chỉ trong diện tích không lớn nhưng đi lại nhiều cũng gây mệt mỏi và khi mệt mỏi thì khó kiểm soát bản thân, có thể nảy sinh va chạm với khách hàng khó tính. Không được đào tạo, họ gặp khó khăn trong xử lý khi khách hàng to tiếng... Với nghề giúp việc gia đình thì theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề, gần như 100% người làm công việc này không được đào tạo, thế nên nhiều chuyện "dở khóc dở cười" khi chủ đi vắng, thậm chí gây ra hậu quả đáng tiếc.
Các cụ xưa có câu "Học ăn, học nói, học gói, học mở" xem ra hoàn toàn có lý; bởi khi ăn phải biết nhìn xung quanh, biết thức ăn còn nhiều hay ít rồi nhai thế nào cho khỏi mang tiếng là "phàm phu tục tử"... Cái tưởng đơn giản, ai cũng có thể làm được mà các cụ còn dạy phải học, huống hồ là cái nghề "làm dâu thiên hạ", không học, không đào tạo thì chất lượng thấp là phải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.