(HNMCT) - Những tác phẩm được tái bản quá nhiều lần, trở nên quá quen thuộc thì không dễ dàng thu hút độc giả. Thế nhưng, vẫn có những đơn vị làm sách tìm cách “lội ngược dòng” với mong muốn hồi sinh tinh hoa văn học, lưu giữ di sản văn chương và mang tác phẩm đến gần hơn với độc giả hiện đại.
“Khoác áo mới” cho danh tác Việt
Vài năm trở lại đây, một số đơn vị xuất bản như Nhã Nam, Tao Đàn, thương hiệu sách Sống, Trí thức Việt đã có sự đầu tư công phu để làm sống lại những tinh hoa văn học Việt một thời.
Công ty Sách Nhã Nam là đơn vị tiên phong trong việc hồi sinh các tác phẩm văn học Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX với bộ sách “Việt Nam danh tác” - ra mắt từ năm 2014. Đến nay, bộ sách đã ra mắt 44 tác phẩm của 27 tác giả, chia thành hai mảng văn xuôi và thơ. Năm 2015, Công ty cổ phần sách Tao Đàn cho ra mắt tủ sách “Văn học tiền chiến”, giới thiệu những tác phẩm xưa của các tác giả như Nhượng Tống, Đào Trinh Nhất. Đặc biệt, hai tác giả vốn là thi sĩ nổi tiếng, nay lại được giới thiệu là nhà văn với tiểu thuyết “Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội” của Nguyễn Bính và “Thuốc mê” của Thâm Tâm. Sống - thương hiệu sách tác giả Việt Nam của Alpha Books gần đây ghi dấu ấn bằng “Tủ sách Khuê Văn”, tái bản những tác phẩm văn học trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, với mong muốn làm sống lại những danh tác văn học xưa trong hình hài, diện mạo mới. Ngoài ra, có thể kể đến NXB Văn học với bộ “Danh tác Việt Nam”, Công ty cổ phần sách Trí thức Việt với bộ sách “Văn học Việt Nam hiện đại”...
Điểm nhấn của các bộ sách danh tác chủ yếu ở phần hình thức - “may tấm áo mới” cho tinh hoa văn học. Trong đó, “Việt Nam danh tác” của Nhã Nam và “Tủ sách Khuê Văn” của thương hiệu Sống nhận được nhiều ngợi khen hơn cả bởi đã tạo phong cách riêng đồng bộ cho các tác phẩm, từ kiểu thiết kế bìa, màu sắc, khổ sách, logo cho đến các kiểu chữ, giãn cách dòng, đặt lề, tranh minh họa... Nhiều độc giả hào hứng chia sẻ về hành trình sưu tầm “Việt Nam danh tác”, điều đó cho thấy sự đầu tư bài bản về hình thức cũng là cách để các tác phẩm kinh điển thêm một lần hồi sinh.
Đưa danh tác đến gần độc giả hiện đại
Song, một ấn bản thu hút độc giả không chỉ cần có hình thức "ổn" mà khâu nội dung cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng. Từng có nhiều tác phẩm nổi tiếng “bị” in tràn lan, cẩu thả, không đối chiếu nguồn gốc, để lọt lỗi chính tả, lỗi đánh máy... khiến việc tái bản thành “làm hỏng tác phẩm chứ không phải tôn vinh”.
Thực tế chứng minh, bởi điều kiện lịch sử mà ở từng giai đoạn, mỗi ấn bản khi xuất hiện có thể có những chỉnh sửa câu từ, cắt bỏ cả đoạn dài hay thậm chí thay sửa tên nhân vật. Do đó, nếu tác phẩm tái bản mà không có sự đối chiếu cẩn trọng, không ghi rõ được khôi phục theo nguyên tác năm nào thì có thể khiến bạn đọc cho rằng ấn bản bị lỗi. Các tác phẩm trong bộ sách danh tác được các đơn vị xuất bản chú trọng việc ghi rõ nguồn gốc, đó cũng là cách tôn trọng độc giả.
Anh Đào Lê Tiến Sỹ, người phụ trách biên tập bộ sách “Việt Nam danh tác” cho biết: “Tiêu chí lựa chọn của Nhã Nam cho bộ sách “Việt Nam danh tác” là làm lại theo ấn bản gốc hoặc theo ấn bản đầu tiên, bởi một tác phẩm khi lần đầu tiên được xuất hiện luôn có giá trị, dấu ấn lịch sử nhất định. Việc đưa ấn bản cũ trở lại với đời sống văn chương góp phần cho độc giả ngày nay có thêm góc nhìn về bức tranh văn học nửa đầu thế kỷ XX”.
Cho đến nay, “Việt Nam danh tác” của Nhã Nam là bộ sách danh tác phong phú nhất với 44 tác phẩm đã ra mắt, trong đó có những tác phẩm tưởng như đã rơi vào quên lãng. Theo Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn, xét cho cùng lịch sử văn chương là lịch sử của sự đọc lại. Người đọc hôm nay có cách đọc, cách đánh giá và nhận định khác thời kỳ trước. Điều đó góp phần làm văn chương càng trở nên phong phú. Việc tái bản, tiếp nhận và đọc lại những tác phẩm đã từng bị quên lãng không chỉ là việc thưởng thức lại một tác phẩm văn chương thuần túy, mà bản thân hành động đọc ấy góp phần xác định thêm vị thế, giá trị cho tác phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.