Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm sao để biết thẻ ngân hàng bị đánh cắp thông tin trên ATM?

Theo TTXVN| 30/04/2018 08:57

Những kiến thức cơ bản về cách nhận biết nguy cơ thông tin thẻ bị đánh cắp, cách sử dụng thẻ an toàn và cách khóa thẻ trong những trường hợp khẩn cấp... bạn đã nắm rõ?


Trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao ngày một diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, để giao dịch thẻ an toàn, bạn cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản như: Cách nhận biết nguy cơ thông tin thẻ bị đánh cắp, cách sử dụng thẻ an toàn và cách khóa thẻ trong những trường hợp khẩn cấp.

Cách nhận biết các nguy cơ mất an toàn của thẻ trên máy ATM

Khi giao dịch thẻ trên máy ATM, bạn nên quan sát thật kỹ: Khe đọc thẻ; khu vực phía trên - đối diện với bàn phím; vị trí phía trên màn hình ATM; bên trong thiết bị che bàn phím hoặc bàn phím ATM bởi đây là những vị trí có nguy cơ bị gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ.

Hãy cảnh giác và cẩn thận nếu phát hiện một trong những tình huống sau: Bàn phím nhập mã PIN nhô cao bất thường; nhập PIN cảm giác có khoảng trống phía dưới.

Ngoài ra, bạn cũng cần cảnh giác nếu tại khu vực thường bị gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ có các dấu hiệu khả nghi như: Có vệt băng dính hai mặt/keo dán quanh đầu đọc thẻ, hoặc lỗ nhỏ tại các khu vực có thể nhìn thấy bàn phím như nóc máy ATM, hông màn hình ATM. Camera lấy cắp PIN còn có thể được giấu trong hộp đựng biên lai gần đó.

Dưới đây là một số hình ảnh minh họa về các thiết bị đánh cắp thông tin thẻ:

 Thiết bị đánh cắp thông tin thẻ bao toàn bộ phần ngoài của khe đọc thẻ.

 Thiết bị đánh cắp thông tin thẻ bao một phần ngoài của khe đọc thẻ.

 Thiết bị đánh cắp thông tin thẻ bên trong khe đọc thẻ.

Lỗ trong khe đọc thẻ có dấu hiệu thiết bị nghe lén hoặc giả mạo các thiết bị chống gian lận.

  Camera bí mật để ghi lại thao tác nhập mã PIN.

 Bàn phím giả đánh cắp mã PIN của chủ thẻ (lắp đè lên bàn phím thật).


Làm sao để sử dụng thẻ an toàn trên máy ATM?

Bạn nên kiểm tra máy ATM trước khi giao dịch để kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường và không thực hiện giao dịch nếu nghi ngờ ATM có thiết bị lạ, bất thường.

Hãy nhớ luôn che bàn phím khi nhập mã PIN để tránh bị lộ PIN khi giao dịch. Trường hợp rút tiền tại ATM nhưng không thành công, nên truy vấn lại số dư trong tài khoản hoặc gọi hotline của ngân hàng để kiểm tra và hỗ trợ trước khi rời khỏi ATM.

Khuyến cáo khách hàng nên sử dụng dịch vụ thông báo số dư tự động qua SMS và nên thường xuyên kiểm tra tin nhắn để kịp thời và chủ động phát hiện giao dịch bất thường.

Ngay lập tức liên hệ tới ngân hàng để khóa thẻ nếu nghi ngờ thẻ bị lộ thông tin hoặc nghi ngờ ATM bị gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ.

Cách khóa thẻ nhanh chóng, an toàn

Đại diện Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) cho biết, trong những trường hợp khẩn cấp, khách hàng có thể chủ động khóa thẻ của mình bằng cách truy cập vào Mobile banking hoặc Internet banking để khóa thẻ (thẻ ATM nội địa, thẻ ghi nợ quốc tế và thẻ tín dụng).


Cách làm rất đơn giản, bạn chỉ cần truy cập vào Mobile banking hoặc Internet banking, chọn chức năng “Cài đặt”. Tiếp theo, chọn “Kích hoạt thẻ/Mở thẻ/Khóa thẻ” và lựa chọn loại thẻ muốn khóa và làm theo hướng dẫn.

Ngoài ra, bạn có thể gọi lên hệ thống thoại tự động của Maritime Bank theo số hotline 1800 59 9999 (miễn phí) hoặc (024) 39 44 55 66; bấm phím 1 để chọn tiếng Việt, tiếp theo bấm tiếp phím 1 để chọn chức năng khóa thẻ và làm theo hướng dẫn.

Khách hàng không cần phải gặp trực tiếp tổng đài viên, không lo máy bận vẫn có thể khóa thẻ kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm sao để biết thẻ ngân hàng bị đánh cắp thông tin trên ATM?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.