(HNM) - Trong tổng số hơn 300.000 máy tính tham gia rà quét mã độc thì có tới 1/3 bị nhiễm mã độc. Vì vậy, chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nhằm “làm sạch” không gian mạng bảo đảm an toàn cho người dùng, làm cơ sở để triển khai chuyển đổi số quốc gia là rất cần thiết.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong tháng 8-2020 có 577 sự cố tấn công mạng vào hệ thống thông tin trong nước; số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet (mạng máy tính ma) là 2.013.867 địa chỉ. Mặc dù cả số cuộc tấn công mạng (đã được ghi nhận, cảnh báo, hướng dẫn xử lý) và số lượng địa chỉ IP botnet nêu trên đều giảm liên tục trong 3 tháng gần đây nhưng kết quả theo dõi từ hệ thống thông tin mạng thì tin tặc (hacker) vẫn tăng cường phát tán, lây nhiễm mã độc.
Một số liệu khác được ghi nhận từ dữ liệu tháng 9-2020 của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (thuộc Cục An toàn thông tin) nguy cơ mất an toàn thông tin trên không gian mạng đang tăng cao khi ngày càng có nhiều tổ chức hacker xuyên biên giới được thành lập. Trong đó, Việt Nam đang bị 32 nhóm hacker quốc tế chú ý đến trong các cuộc tấn công có chủ đích (APT).
Do vậy, để bảo đảm an toàn thông tin, Cục An toàn thông tin chủ trì triển khai chiến dịch rà soát và bóc gỡ mã độc trên không gian mạng. "Chiến dịch đặt mục tiêu giảm 50% tỷ lệ lây nhiễm mã độc, giảm 50% địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong 10 mạng botnet phổ biến, đưa Việt Nam ra khỏi báo cáo của các hãng về tỷ lệ lây nhiễm mã độc. Đến hết ngày 30-9-2020 có hơn 300.000 lượt máy tính tham gia rà quét mã độc và trong số này có hơn 100.000 máy tính bị nhiễm mã độc, cho thấy tỷ lệ máy tính nhiễm độc khá lớn" - ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho biết.
Triển khai chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” (phát động ngày 17-9-2020), các chuyên gia về bảo mật, an ninh mạng đã xây dựng công cụ hỗ trợ miễn phí giúp người dùng kiểm tra, bóc gỡ mã độc ra khỏi máy tính của mình. Theo đó, tổ chức, cá nhân có thể truy cập vào địa chỉ của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (http://khonggianmang.vn/chiendich2020), chọn “Công cụ”, rồi chọn “Chiến dịch rà quét mã độc” và lần lượt làm theo hướng dẫn.
Ngoài ra, người dùng còn có thể sử dụng hai công cụ "Make in Vietnam" giúp nhận diện mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền là "Giải mã, nhận diện mã độc mã hóa tống tiền" và "Tự động phân tích tập tin độc hại" được cung cấp miễn phí tại website http://khonggianmang.vn.
Đồng hành cùng Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, còn có các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông lớn trong nước như: VNPT, Viettel, FPT, BKAV... Trong dịp này, BKAV cũng giới thiệu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu mã độc tại BKAV thì việc phân tích và xử lý vi rút bằng AI có thể giúp trung bình mỗi ngày phát hiện được 1,128 triệu mẫu vi rút có tỷ lệ chính xác lên đến 99,97% và không cần cập nhật mẫu nhận diện, ngoài ra, không gây ảnh hưởng tới hiệu năng của máy tính.
Còn đại diện Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, thời gian qua, VNPT đã xây dựng trung tâm điều hành SOC (Security Operation Center) chuyên theo dõi, xử lý các sự cố về an toàn thông tin. Hệ thống “miễn dịch” an toàn thông tin này không chỉ phục vụ nội bộ mà còn trở thành một hệ sinh thái phục vụ cho nhiều khách hàng là các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp.
Về kết quả bước đầu triển khai chiến dịch rà quét mã độc, ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho biết, đến nay chiến dịch nhận được sự hưởng ứng lớn từ cộng đồng, gần 30.000 địa chỉ IP truy cập, rà soát và bóc gỡ cho hàng nghìn máy tính của cá nhân, doanh nghiệp bị nhiễm mã độc/botnet miễn phí. Cùng với đó có hàng trăm lượt chia sẻ, phản hồi tích cực gửi về cho trung tâm. Ngoài ra, trang web của chiến dịch cũng ghi nhận hơn 16.000 lượt kiểm tra IP botnet.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.