Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương

Nguyễn Đức| 13/11/2012 06:49

(HNM) - Hành vi lấn chiếm hành lang ATGT; lòng đường, vỉa hè để sử dụng ngoài mục đích giao thông là một vấn nạn không chỉ ở các đô thị lớn mà còn ở nhiều địa phương, nhất là nơi có tuyến giao thông quan trọng.

Hành vi lấn chiếm hành lang ATGT; lòng đường, vỉa hè để sử dụng ngoài mục đích giao thông là một vấn nạn không chỉ ở các đô thị lớn mà còn ở nhiều địa phương, nhất là nơi có tuyến giao thông quan trọng. Việc giải tỏa lấn chiếm đã là cả vấn đề, việc duy trì kết quả, bảo đảm không tái lấn chiếm còn gian nan hơn.

Ảnh: Báo Lao động


Với khoảng 10 triệu dân sinh sống, cộng với lối sinh hoạt, kinh doanh tùy tiện, tồn tại qua nhiều thế hệ, việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đã như "chuyện thường ngày" ở Hà Nội. Không khó bắt gặp cảnh tùy tiện chiếm dụng vỉa hè, lòng đường ngay tại trung tâm thành phố để kinh doanh buôn bán từ quy mô lớn, có tổ chức đến những gánh hàng di động. Phó Chánh Văn phòng Công an TP Hoàng Cao Thắng cho biết, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở nhiều nơi diễn ra rất phức tạp, gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh, ATGT đô thị. Là người tham gia nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, ông cho biết, buổi tối, như thể các hộ kinh doanh có "sổ đỏ" sử dụng vỉa hè, lòng đường. Những khu vực phức tạp, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường quy mô lớn là khu vực phố cổ, Nhà Thờ, Ngã Tư Sở, chùa Láng, hồ Đền Lừ, Nguyễn Khánh Toàn, Lê Thanh Nghị, Ô Chợ Dừa… Không chỉ chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh bia hơi, trà chanh, có hộ còn mang cả quạt công nghiệp đặt ra giữa đường phục vụ "thượng đế".

Thống kê sơ bộ của Thanh tra Sở GTVT cho biết, việc lấn chiếm để tập kết vật liệu, kinh doanh, đặt biển quảng cáo diễn ra phổ biến. Trên QL6, đoạn qua Hà Nội dài hơn 30km, đã có hơn 1.200 trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm. Nhiều "điểm đen" nghiêm trọng hình thành trên tuyến như ở phường Quang Trung, Đồng Mai (Hà Đông), xã Đông Phương, Đông Phương Yên (Chương Mỹ). Trên QL32, tình hình phức tạp không kém. Đoạn đường 49km qua Hà Nội có hơn 1.800 tổ chức, cá nhân vi phạm…

Trong kế hoạch thực hiện kéo dài từ nay đến năm 2015, Thanh tra Sở GTVT đặt mục tiêu cùng các cơ quan chức năng giải tỏa tại 24 tuyến phố (45km), 3 tuyến QL (128km) và 10 nút giao thông. Mục tiêu đặt ra là tạo sự chuyển biến về nhận thức, với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của chính quyền, cơ quan đoàn thể và nhân dân. Các tuyến phố sau giải tỏa tổ chức chống tái lấn chiếm bảo đảm duy trì lâu dài.

Mục tiêu, quyết tâm là vậy, nhưng để thực hiện thành công không đơn giản. Ông Hoàng Cao Thắng cho biết, mới chỉ kiểm tra, xử phạt, đã có không ít hộ bằng mọi biện pháp chống đối hoặc "nhờ người thân" gọi điện thoại giúp đỡ. Có lúc, để thực hiện nhiệm vụ, đoàn kiểm tra phải tắt điện thoại. Tại Ô Chợ Dừa, có quán bia còn chiếm dụng, để xe cho khách ngay sát trụ sở công an phường. Chính vì có sự "chống lưng" nhất định nên việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh diễn ra phức tạp, thách thức dư luận. Theo ông Thắng, việc giải tỏa lấn chiếm là cần thiết, nhưng để duy trì kết quả cần sự vào cuộc đồng bộ, đặc biệt của chính quyền địa phương.

Cùng chung quan điểm, Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Xuân Tân cho rằng phải gắn với trách nhiệm cụ thể. Sau khi giải tỏa, cần thống kê chi tiết vi phạm, thông báo cho chính quyền, công an địa phương quản lý địa bàn. Cơ quan chức năng có thể phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể kiểm tra thường xuyên, tổ chức chấm điểm, đưa vào đánh giá thi đua chung. Với lực lượng thanh tra giao thông, gắn trách nhiệm cụ thể với từng thanh tra viên theo địa bàn quản lý. Chỉ khi nào các lực lượng, chính quyền địa phương thực sự có thay đổi và nhận thức đúng về vai trò, nhiệm vụ, đồng lòng, quyết tâm vào cuộc mới có hè thông, đường thoáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.