Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm rõ hơn những vấn đề sau dự án

H.V| 11/11/2010 10:26

(HNMO) – Đề nghị làm rõ hơn hiệu quả đầu tư về mặt kinh tế và xã hội của dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất là ý kiến của nhiều đại biểu đoàn Hà Nội tại phiên thảo luận tổ sáng 11/11 về việc thực hiện công trình quan trọng quốc gia này.

Các đại biểu Hà Nội cũng nhất trí việc đề nghị Quốc hội ra nghị quyết kết thúc dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất. Đồng thời, Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ làm rõ những vấn đề đặt ra mang tính dự báo và cảnh báo sau khi Nhà máy đi vào vận hành như: chất lượng sản phẩm ban đầu và sản phẩm lâu dài có tương đương nhau; việc bảo hành công trình và chuyển giao kỹ thuật; việc quản lý công trình, trách nhiệm của Trung ương và địa phương; các vấn đề về tiêu thụ sản phẩm; phương án đối phó với môi trường, biển, khí hậu; phương án nhập khẩu cho vận hành Nhà máy khi nguồn mỏ trong nước không còn…

Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh khẳng định, chủ trương đầu tư Nhà máy là hoàn toàn đúng đắn. Đại biểu Thanh cũng nhất trí với các bài học rút ra từ quá trình thực hiện dự án nhưng cho rằng, đây không chỉ là những bài học từ riêng dự án Dung Quất, mà của nhiều dự án khác. Đó vẫn là những yếu điểm trùng lặp như năng lực chủ đầu tư yếu, GPMB lập dự toán chưa tốt, thủ tục rườm rà…

“Phải chăng đây là căn bệnh không chữa được?”, đại biểu Thanh đặt vấn đề.

Cùng chung nhận xét, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn cũng cho rằng, những bài học kinh nghiệm rút ra từ dự án chưa có gì mang tính đặc trưng, có thể “lắp” vào các dự án khác vẫn đúng.

“Tôi cảm thấy chưa thật sự thỏa mãn với báo cáo Chính phủ và báo cáo thẩm tra. Các báo cáo cần sâu sắc hơn nữa. Từ công trình này chúng ta rút ra bài học nào để hạn chế và phát huy khi Quốc hội quyết các công trình trọng điểm khác”, đại biểu Sơn nói.

Đại biểu Sơn cũng quan tâm đến hiệu quả kinh tế về đầu tư và khai thác kinh doanh của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

“Nghị quyết của Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ sau 1 năm nữa phải báo cáo kết quả kiểm toán Nhà nước, những bài học thực sự, hiệu quả của Nhà máy…”, đại biểu Sơn đề nghị.


Đại biểu Sơn cũng cho rằng, cần làm rõ xem vị trí đầu tư dự án có chính xác không. Dự án đã làm rồi thì cần khắc phục những hậu quả do lựa chọn vị trí như thế nào. Đồng thời, cần tính toán với công suất đặt ra, bao giờ dự án mới hoàn vốn, có lãi?

Khẳng định dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất là sự thắng lợi của Việt Nam về khoa học công nghệ, lần đầu chứng minh sự phát triển của ngành hóa dầu Việt Nam, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cũng phải thẳng thắn đánh giá: “Dung Quất là dự án thuận tình về mặt chủ trương nhưng nghịch lý về đầu tư kinh tế”.

“Chúng ta làm nhà máy trong bối cảnh chưa nắm được 2 điểm quan trọng: nguồn dầu dự trữ quốc gia ở mỏ và vị trí đặt Nhà máy”, đại biểu Đào nói.

Từ đó, đại biểu Đào đề nghị Quốc hội nên chất vấn, buộc Chính phủ làm rõ vị trí kinh tế và xã hội của nhà máy, nếu không sẽ không đảm bảo mục tiêu đặt ra.

Phân tích về vị trí đặt Nhà máy, đại biểu Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, vị trí địa lý của Dung Quất không thuận lợi lắm bởi nó nằm ở vùng có bão thường xuyên, vùng vịnh lại không có núi chắn như Quy Nhơn hay Nha Trang nên sự hình thành túi bùn cho thấy việc nạo vét sẽ phải thường xuyên tiến hành…

Trở lại với hiệu quả của dự án, đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng, báo cáo Chính phủ chưa đánh giá, làm rõ hiệu quả kinh tế lỗ hay lãi của dự án so với tổng mức đầu tư và chiều dài tổ chức xây dựng nhà máy đưa vào hoạt động.

“Tôi đồng ý với kiến nghị của Chính phủ và Ủy ban thẩm tra Quốc hội là thông qua nghị quyết kết thúc dự án này, giao Chính phủ quyết toán”, đại biểu Hà nói.

Đại biểu Hà cũng đề nghị Quốc hội giao cho Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán công trình. Lúc đó mới có thể đánh giá chính xác xem công trình có đảm bảo hiệu quả đầu tư hay không.

Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng nhất trí đề nghị Quốc hội có nghị quyết về kết thúc dự án. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần nghiêm túc đánh giá, có giải trình cụ thể, rõ ràng, mạch lạc lý do tại sao tổng đầu tư dự án tăng gấp đôi.

Đại biểu Hường cũng đề nghị cần quan tâm tới hiệu quả sau dự án và đời sống người dân khu dự án, có sự đầu tư thích đáng cho hạ tầng xã hội.

Đánh giá toàn diện dự án, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, cần phải đánh giá cao vai trò rất quan trọng của tập đoàn kinh tế Nhà nước trong việc thực hiện dự án này. Lúc đầu, dự án chủ trương liên doanh với nước ngoài thực hiện, nhưng sau đó không liên doanh được, các đối tác rút dần khiến việc triển khai dự án lâm vào khó khăn, lúc này tập đoàn Nhà nước đã tham gia và thực hiện dự án thành công.

Đại biểu Khánh cũng nhất trí với việc ban hành Nghị quyết Quốc hội về kết thúc dự án và giao Chính phủ tiếp tục hoàn thiện việc quyết toán dự án, vận hành nhà máy hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ hơn những vấn đề sau dự án

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.