(HNM) - TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có phong trào tình nguyện phát triển mạnh nhất của cả nước. Các chiến dịch tình nguyện như Mùa hè xanh, Hành quân xanh, Kỳ nghỉ hồng, Hoa phượng đỏ… đã trở nên quen thuộc, gần gũi với các bạn trẻ TP mỗi khi hè đến. Thế nhưng đã đến lúc cần làm mới nội dung, hình thức các phong trào, chiến dịch ấy để thúc đẩy tinh thần của các tình nguyện viên, khơi dậy niềm đam mê, lòng nhiệt huyết của các bạn trẻ.
Lực lượng TNTN thành phố Hồ Chí Minh giúp dân làm đường. |
Sức sống tình nguyện
Còn nhớ, "cái thuở ban đầu"- hè năm 1994 - 700 bạn trẻ khoác ba lô lên đường tham gia chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè; đến nay đã có hàng trăm ngàn lượt người đến với những chiến dịch tình nguyện. Từ Ánh sáng văn hóa hè, chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, đến nay lan rộng thành các chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ, Hành quân xanh, Kỳ nghỉ hồng… Các chiến dịch được duy trì phát triển với nhiều mô hình, giải pháp, cách làm ngày càng mới từ nhiều ý tưởng đầy hiệu quả từ thực tế cuộc sống như trí thức trẻ khuyến nông, khuyến ngư; xóa cầu khỉ; xây dựng đường Hồ Chí Minh; bảo vệ môi trường; phòng chống tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội; khám chữa bệnh… Những việc làm bổ ích, thiết thực ấy đã được nhiều tổ chức xã hội, các địa phương công nhận, đánh giá cao.
Nếu như ngày trước, nhắc đến hè tình nguyện người ta thường nghĩ đó là "đất" của SVHS. Nhưng nay, có rất nhiều đối tượng: thanh niên công nhân lao động, lực lượng vũ trang, thanh niên địa phương và nhiều nhóm bạn trẻ đến từ nhiều nước đã cùng hòa mình vào phong trào tình nguyện của tuổi trẻ. Địa bàn của chiến dịch từ một vài xã nghèo ở TP đã tỏa rộng các nơi xa xôi, hẻo lánh của nhiều tỉnh, thành và sang cả nước bạn Lào, Campuchia. Cũng từ "sân chơi" tình nguyện này đã có không ít những người trưởng thành. Giờ đây, khi nhắc lại những ngày hè sôi động, với những chiến dịch tình nguyện đầy ắp kỷ niệm, Từ Công Thành - Phó khoa Cơ khí (Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) đã không giấu được những cảm xúc. Anh chia sẻ: "Nhờ phong trào tình nguyện mà tôi đã học hỏi để "lớn lên" và phát triển thêm nhiều kỹ năng mới. Tôi nghĩ, hoạt động tình nguyện giúp chúng ta khám phá ra những khả năng tiềm ẩn của mình. Học những kỹ năng mới không bao giờ là muộn; và càng không có lý do gì khiến tôi ngừng nạp thêm cho mình kiến thức mới ngay cả khi đã tốt nghiệp".
... Cần “hâm nóng” phong trào
Những trải nghiệm và kỷ niệm đẹp có được từ các chiến dịch tình nguyện là hành trang quý giá về kinh nghiệm sống, kiến thức và những bài học trên đường đời để các bạn trẻ bước vào cuộc sống. Thế nhưng, có nhiều sinh viên khi tham gia các phong trào tình nguyện còn tỏ ra thờ ơ, thiếu năng nổ; các bạn tham gia chỉ để biết, chứ không thật sự cống hiến, thể hiện tinh thần tình nguyện! Chính điều này đã làm ảnh hưởng đến nhiều sinh viên năng động, tích cực khác. Điều đáng nói hơn, khi kết thúc chiến dịch tình nguyện, các chiến sĩ lại mang tư tưởng không hứng thú truyền đạt cho lớp đàn em, làm cho lực lượng sinh viên mới e ngại, thờ ơ với các hoạt động phong trào, hoạt động tình nguyện. Theo Phan Ngọc Lan Chi, sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, hiện nội dung hoạt động ở các địa bàn chưa thật sự sôi động, hấp dẫn cũng khiến các chiến dịch tình nguyện mất đi sự hấp dẫn đối với các bạn trẻ. Điển hình nhất là việc tổ chức ôn tập hè trong chiến dịch Mùa hè xanh. Nhiều lớp học, các chiến sĩ tình nguyện đứng lớp quá đông so với người học, nên có người làm người không, dẫn đến sự đố kỵ giữa các chiến sĩ tình nguyện.
Theo anh Nguyễn Thanh Đoàn - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên TP, để giải quyết những vấn đề trên, các phong trào tình nguyện cần quán triệt tư tưởng cho các chiến sĩ hiểu được ý nghĩa, tác dụng của hoạt động bằng cách thông qua những buổi nói chuyện, trao đổi hình ảnh, tư liệu về các hoạt động thiết thực. Phải cho các chiến sĩ thấy chúng ta làm gì, và những việc đó đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương như thế nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.