(HNM) - Ở xã Cổ Đô, Ba Vì, anh Nguyễn Văn Thanh được nhiều người biết tiếng là người sản xuất giỏi với mô hình trang trại cây giống, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 100 triệu đồng.
Về nghỉ chế độ đúng vào lúc địa phương chia lại ruộng cho nông dân (năm 1990), nhưng mỗi khẩu chỉ được 360m2, lại nằm rải rác nên manh mún, khó canh tác. Trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả là điều khiến anh Thanh phải tính toán kỹ và ý tưởng sản xuất cây, con giống đến với anh khi ở xã Cổ Đô rộ lên phong trào trồng táo. Đây là loại cây ăn quả dễ trồng, thời điểm thu hoạch thường vào dịp giáp tết, dễ tiêu thụ nên nhiều nông dân lựa chọn. Vì thế nhu cầu về cây giống khá lớn.
Ngoài ra, do Ba Vì là huyện miền núi, diện tích rộng rất thuận lợi cho trồng cây ăn quả và trồng rừng, những năm gần đây, huyện tập trung đẩy mạnh kinh tế trang trại và phủ xanh đất trống đồi trọc nên nhu cầu về giống cây tăng lên không ngừng. Thuận lợi này đã tiếp nguồn sinh lực cho ý tưởng xây dựng vùng cây giống của anh Thanh.
Tuy nhiên, là người chưa có nhiều kiến thức về nhân giống, lai ghép nên vùng cây giống của anh Thanh lúc đầu còn nghèo nàn. "Biết được điểm yếu của mình là vấn đề kỹ thuật nên tôi tìm đến các viện nghiên cứu, các trường đại học nông nghiệp, lâm nghiệp, đặc biệt là các cơ sở sản xuất giống cây trong và ngoài nước sưu tầm tài liệu. Thông tin từ sách, báo cũng giúp tôi nhiều điều trong quá trình học hỏi và ứng dụng kỹ thuật ươm ghép cây giống"- anh Thanh cho biết trong lúc đưa chúng tôi đi thăm vườn cây giống.
Hiện trang trại của anh Thanh rộng gần 2 mẫu với hơn 80 loại cây giống (bao gồm cây ăn quả, cây cảnh, cây dược liệu, cây lâm nghiệp, cây bóng mát…) cung cấp ra thị trường hàng vạn cây mỗi năm. Trừ chi phí, hằng năm trang trại của gia đình anh cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Khoản tiền tuy không lớn nhưng đó là ý chí vươn lên của người nông dân nay với mong muốn cung cấp cho con người những sắc biếc, chồi xanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.