Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì để sản vật trở thành hàng hóa?

Minh Phú| 08/10/2014 06:42

(HNM) - Từ xưa, Hà Nội đã nổi tiếng với nhiều sản vật như: Cua kềnh Khánh Hiệp (xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ), cá chép vàng Cấn Xá (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai)... Làm thế nào để những miếng ngon, những sản vật


Ngậm ngùi đặc sản tiến vua

"Sài Sơn chi biển bức, Cấn Xá chi lý ngư, Khánh Hiệp chi kỳ bành, Linh Chiểu chi úng thái" (Dơi ngựa Sài Sơn, cá chép Cấn Xá, cua đồng Khánh Hiệp, rau muống Linh Chiểu vẫn được người dân gọi là Tứ Dị dùng để cung tiến vua chúa. Hiện nay chỉ còn rau muống tiến vua ở xã Sen Chiểu (Phúc Thọ) là có sản phẩm cung ứng ra thị trường.

Rau muống tiến vua ở xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ.



Tìm đến xã Sen Chiểu, nơi nổi tiếng là vùng trồng thứ rau đặc sản thuở nào, bà Nguyễn Thị Thắng, xã viên cụm 14, không giấu được nỗi buồn. Bà cho biết, mỗi ngày xuống đồng hái rau từ 2h sáng được khoảng 70 mớ, tinh mơ vội vã chở lên Sơn Tây bán rong tới trưa, nhưng rau tiến vua chỉ có giá như các loại rau bình thường khác trên thị trường. Cách đây chừng 5 năm, người trồng rau tiến vua vui mừng khi có một doanh nghiệp tại Hà Nội về ký hợp đồng với các hộ dân. Phía công ty thuê ruộng với giá 500 nghìn đồng/sào/vụ; chuyển giao kỹ thuật, giống, phân bón cho các hộ trồng rau theo quy trình của doanh nghiệp. Rau làm ra bao nhiêu được phía doanh nghiệp thu mua theo giá thị trường. Thế nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang", chỉ sau 2-3 năm, phía doanh nghiệp này cắt hợp đồng thuê đất và cũng không về thu mua rau nữa. Hàng trăm hộ dân lại quay về với quy trình sản xuất rau truyền thống. "Rau vẫn rất ngon nhưng không có thị trường tiêu thụ nên cũng chỉ có giá như các loại rau bình thường khác" - bà Thắng than thở. Ông Phùng Văn Dũng, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Sen Chiểu cho biết, cả xã có 20ha trồng rau muống tiến vua. Đây là giống rau quý có đặc điểm lá xanh biếc, ngọn to dài; luộc hoặc sào đều rất giòn, nước xanh, vị đậm… nhưng rau đặc sản chưa thực sự mang lại giá trị cao. Và người trồng rau vẫn lam lũ, vất vả với giá cả thị trường, với nỗi lo cơm áo. Điều may mắn, Sen Chiểu vẫn còn giữ được giống rau muống quý, nhiều sản vật khác của Hà Nội xưa như: Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm/cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây… chỉ còn trong hoài niệm.

Theo bà Mai Minh Hương, Phó phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội), Hà Nội có nhiều giống cây trồng quý nổi tiếng cả nước như cam Canh, bưởi Diễn, húng Láng, hồng xiêm Xuân Đỉnh, rau muống tiến vua Sen Chiểu, sen Tây Hồ, mơ Hương Tích, rau sắng chùa Hương…, đó là những giống cây quý không chỉ có giá trị khoa học, kinh tế mà còn có giá trị lịch sử, văn hóa… Để bảo tồn và phát triển những cây trồng đặc sản có tiềm năng, mang lại giá trị kinh tế cao, từ năm 2011, Sở NN&PTNT Hà Nội đã lựa chọn được 22 giống cây trồng để bảo tồn và phát triển trong nhân dân, bằng cách hỗ trợ tăng nhanh diện tích và sản lượng, cung cấp cho thị trường, trở thành sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Thủ đô. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai còn gặp rất nhiều khó khăn.

Để sản vật làm giàu cho nông dân

Có một thực tế, nông dân chưa "sống" và làm giàu được từ những sản vật nổi tiếng của Hà Nội. Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu cho rằng, điểm yếu đang "cản trở" nông sản đặc sản hiện nay khá nhiều. Thương hiệu rau muống tiến vua của huyện Phúc Thọ dù đã xây dựng thành công từ năm 2009, nhưng tiêu thụ vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện các khách sạn, nhà hàng ở Sơn Tây mới sử dụng hết 20% sản lượng rau muống của xã với giá cả nhích hơn đôi chút; 80% còn lại, nông dân vẫn phải gồng gánh ra chợ bán rau như các sản phẩm nông sản thông thường…

Trở lại với vùng trồng húng Láng thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, hiện nay chỉ còn không quá 10 hộ trồng loại cây này với diện tích rất nhỏ. Trước nguy cơ húng Láng bị xóa sổ, năm 2012, Hà Nội đã chấp thuận chủ trương bảo tồn, lưu giữ và phát triển cây húng Láng với mức đầu tư trên 1 tỷ đồng. Thế nhưng, dù có kinh phí thì việc bảo tồn cũng không dễ, bởi đất sản xuất ở làng Láng không còn và người dân cũng không mấy mặn mà. Trong khi đó, việc mang húng Láng đi trồng nơi khác cũng gặp không ít vấn đề, bởi phụ thuộc vào điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt… Từ tháng 8-2013, cây húng Láng đã được di chuyển về trồng thí điểm tại huyện Thường Tín và huyện Ba Vì nhưng chưa có đủ căn cứ đánh giá được hương vị của chủng loại rau này khi mở rộng sản xuất.

Tương tự đối với cây rau sắng chùa Hương. Mỗi kilôgam rau có giá tới 300.000 đến 400.000 đồng, thậm chí có khi lên đến 1 triệu đồng, nhưng không phải hộ dân nào cũng có thể trồng loại cây này. Việc nhân giống rất khó, từ khi trồng đến lúc cho thu hoạch lứa đầu tiên phải mất từ 3 đến 5 năm và sau 10 năm mới được thu hoạch với số lượng lớn. Năm 2011, ngành nông nghiệp Hà Nội đã có dự án "Khôi phục, cải tạo và phát triển một số cây đặc sản quý hiếm, đặc hữu tại rừng đặc dụng Hương Sơn", trong đó có cây rau sắng. Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai trong 3 năm với 250ha, trong đó rau sắng trồng mới 170ha, cải tạo 30ha sẵn có; cây mơ 45ha; củ mài 5ha. Dự án thành công, trung bình mỗi năm xã Hương Sơn sẽ thu được khoảng 11 tỷ đồng từ việc phát triển các loại cây quý hiếm này. Song, do nguồn ngân sách có hạn, từ tháng 6-2013 dự án phải giãn tiến độ thực hiện.

Phó phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Mai Minh Hương cho biết, trong số 22 giống cây đặc sản được lựa chọn, Hà Nội đã có 11 dự án bảo tồn và phát triển các giống cây trồng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều dự án chưa đạt được kết quả như rau muống tiến vua, hay rau sắng chùa Hương… Rõ ràng, làm gì để những nông sản, đặc sản này không dừng lại ở "tiếng thơm" trong làng ngoài xã mà phải trở thành nông sản hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao, làm đổi thay đời sống người dân vẫn là câu hỏi lớn và còn nhiều việc phải làm…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để sản vật trở thành hàng hóa?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.