(HNMCT) - Đái tháo đường hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Ngoài việc sử dụng thuốc thì chế độ dinh dưỡng có vai trò cực kỳ quan trọng, góp phần điều chỉnh tốt chỉ số đường huyết của cơ thể.
Hội chứng “4 nhiều”
Theo thống kê, tại Việt Nam đang có tới 3,5 triệu người chung sống với bệnh đái tháo đường. Đái tháo đường hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Nguy hiểm hơn, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa, rất nhiều người trong độ tuổi 25 - 30 mắc đái tháo đường mà không hay biết. Thậm chí, tại nước ta đã ghi nhận có những trường hợp trẻ 12, 13 tuổi bị đái tháo đường type 2. Trong khi đó, đáng nói là nhiều người mắc đái tháo đường lại không biết mình bị bệnh. Hiện nay, chỉ có trên 30% số bệnh nhân đái tháo đường trong độ tuổi từ 18 - 69 tuổi được chẩn đoán, còn đến gần 70% chưa được chẩn đoán.
Bác sĩ Phạm Thúy Hường, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Nội tiết trung ương cho biết, đái tháo đường là hiện tượng tăng glucose mạn tính do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động insulin, hoặc cả hai yếu tố trên. Đây là lý do giải thích tại sao có đái tháo đường type 1 hay type 2. Bệnh đái tháo đường đang gia tăng, đặc biệt là tại các nước đang phát triển vì lối sống thiếu khoa học, thói quen ăn đồ ăn nhanh, ít vận động... Bệnh đái tháo đường nguy hiểm với tất cả mọi người và có thể xảy ra bất cứ khi nào, không chờ đợi ai.
Theo bác sĩ Phạm Thúy Hường, y văn xa xưa có nói, người mắc bệnh đái tháo đường thường có hội chứng “4 nhiều”: Tiểu nhiều, ăn nhiều, uống nước nhiều, gầy sút cân nhiều. Tuy nhiên, khi có hội chứng “4 nhiều” thì đã là bệnh muộn vì đây là căn bệnh có diễn biến âm thầm. Do đó, người dân cần quan tâm đến việc khám sức khỏe định kỳ, chỉ cần thử đường máu là có thể phát hiện bệnh đái tháo đường sớm nhất.
Những sai lầm cần tránh
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam lưu ý, sai lầm phổ biến mà người bệnh mắc phải là thấy khỏe rồi thì tự bỏ thuốc. Bác sĩ khuyên khám định kỳ nhưng tự ý không khám định kỳ theo quy định hay tự ý thay đổi cách dùng thuốc. Bên cạnh đó là các sai lầm về dinh dưỡng, ăn uống thái quá hoặc kiêng khem thái quá. Thậm chí, không ít người cho rằng, khi tuân thủ việc uống thuốc điều trị thì có thể ăn uống thoải mái cũng không ảnh hưởng gì. Đây cũng là sai lầm tai hại mà người bệnh nên tránh.
Mặt khác, có những bệnh nhân lo âu quá mức, làm việc quá sức trong khi đúng ra người bệnh không nên tạo áp lực cho chính mình. Tất cả những điều đó làm giảm hiệu quả điều trị, chỉ số đường huyết không thể kiểm soát, có thể tăng đường huyết hoặc hạ đột ngột khiến người bệnh phải cấp cứu - hai thái cực này đều nguy hiểm.
Cũng theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, nhiều bệnh nhân không kiểm soát bệnh cẩn thận gây tổn thương bàn chân không liền, điều này có thể dẫn tới việc phải cắt cụt chân, rồi tình trạng tổn thương võng mạc, nhồi máu cơ tim... Do đó, bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần luôn làm đúng theo chỉ dẫn của thầy thuốc chuyên khoa, không nên tùy tiện, chủ quan với bệnh.
Ngoài ra, thời gian gần đây, dư luận cũng xôn xao về nhiều bài thuốc được cho là chữa dứt điểm bệnh đái tháo đường như sử dụng viên tiểu đường hoàn hay sử dụng "cặp đá kỳ diệu" và đắp lá… Tuy nhiên, đây đều là những phương pháp chữa trị không chính thống và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Do đó, để điều trị bệnh đái tháo đường nhất thiết cần có bác sĩ chuyên khoa, người bệnh không thể tùy tiện, coi thường sức khỏe của mình.
Duy trì ổn định 3 bữa ăn chính
Nên duy trì ổn định 3 bữa ăn chính trong ngày. Nên ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá no. Ăn vừa phải chất béo, hạn chế ăn mỡ động vật, nội tạng động vật và các sản phẩm chế biến sẵn từ động vật (giò, chả, đồ ăn nhanh) vì những chất béo này làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch, không tốt cho sức khỏe. Nên hạn chế uống rượu bia vì nguy cơ tăng cân và hạ đường huyết. Người bệnh tăng huyết áp nên giảm lượng muối tiêu thụ hằng ngày.
Đối với người cân nặng ổn định, đường huyết kiểm soát tốt không cần thiết phải ăn thêm bữa phụ hoặc chia nhỏ bữa ăn. Người bệnh chỉ ăn thêm bữa phụ khi phải vận động nhiều (đi bộ, chơi thể thao...). Đối với những bệnh nhân có nguy cơ bị hạ đường huyết và gây nguy hiểm như bệnh nhân cao tuổi, có các biến chứng tim mạch nặng nề, suy thận hoặc bệnh nhân đang dùng thuốc kích thích tụy bài tiết Insulin và đặc biệt bệnh nhân đang tiêm Insulin thì cần xem xét có bữa phụ, đặc biệt trước khi đi ngủ để tránh hạ đường huyết trong đêm.
Theo PGS.TS Vũ Bích Nga, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Viện trưởng Viện Đái tháo đường và các bệnh rối loạn chuyển hóa, Trường Đại học Y Hà Nội, đái tháo đường là bệnh mạn tính, không thể chữa dứt điểm và cần được điều trị, quản lý, theo dõi liên tục suốt đời. Muốn điều trị tốt thì người bệnh phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để có được mục tiêu điều trị riêng, được sử dụng những loại thuốc phù hợp. Bên cạnh đó, người bệnh luôn nhớ rằng kiểm soát đường máu phải song song với việc kiểm soát mỡ máu, tình trạng tăng huyết áp, tim mạch; đặc biệt là phải thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, tuân thủ chế độ ăn uống cũng như kiểm tra đường máu định kỳ để biết được rằng bệnh tình của mình đang ở mức độ nào, từ đó có thể kiểm soát đường máu tốt và tránh các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.